Huyện Núi Thành có diện tích nuôi trồng thuỷ sản nước lợ khá lớn với khoảng 1.500ha mặt nước, chiếm 2/3 diện tích nuôi của toàn tỉnh. Trong những năm qua, nuôi trồng thuỷ sản nước lợ đã giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông ngư dân ven biển.
Đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tuy nhiên vài năm trở lại đây việc nuôi tôm ở vùng triều đem lại hiệu quả không cao, người nuôi ngày càng gặp nhiều rủi ro, khó khăn do tình trạng ao nuôi bị xuống cấp, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của bà con, dẫn đến tình trạng bỏ trống diện tích ao nuôi ngày một nhiều. Vì vậy, hiện nay bên cạnh con tôm thì các đối tượng khác như cua, cá... cũng được người dân đưa vào nuôi và đã đem lại thu nhập đáng kể.
Nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, cải thiện môi trường, hạn chế dịch bệnh, rủi ro trong đầu tư và đảm bảo sản xuất có hiệu quả ổn định hơn. Trong năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Nam, sự lãnh chỉ đạo của UBND huyện Núi Thành, sự phối hợp của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ban ngành có liên quan khác trên địa bàn huyện cùng với sự vào cuộc sâu sát của UBND xã Tam Xuân 1, đặc biệt là sự nhiệt tình hưởng ứng của nhóm hộ tham gia. Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện đã triển khai mô hình nuôi cá Diêu hồng, Rô phi đơn tính trong ao nước lợ tại nhóm hộ ông Hồ Đình Đồng, ở thôn Phú Tân, xã Tam Xuân 1, trên diện tích ao nuôi 1,1 ha, với lượng giống thả 27.500 con.
Đến thời điểm thu hoạch là gần 5 tháng rưỡi (do ảnh hưởng của cơn bão số 11 nên phải thu hoạch sớm), và kết quả bước đầu đem lại khá khả quan. Cá nuôi đạt tỷ lệ sống cao 72%, trọng lượng cá bình quân 500 gam/con, sản lượng thu đạt trên 9 tấn, với giá bán trung bình 34.000 đ/kg, trừ chi phí xong mô hình có lãi khá, bà con nuôi rất phấn khởi.
Mặc dù, so với nuôi tôm hiệu quả của mô hình 86,6 triệu đồng trên diện tích 1,1ha trong thời gian gần 5 tháng rưỡi là không lớn, nhưng điều quan trọng là qua đây có thể góp phần mở ra hướng nuôi mới của bà con nông ngư dân và định hướng phát triển nuôi thủy sản nước lợ của địa phương. Hiện nay, nếu nuôi chuyên tôm chắc chắn tiếp tục sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy cần thay đổi đối tượng nuôi như trên nhằm lách tránh sự gây hại của dịch bệnh trên tôm nuôi vì nuôi cá là đối tượng góp phần cải tạo môi trường rất tốt, chúng sẽ tiêu diệt một số đối tượng nấm, vi khuẩn, các mầm bệnh khác có thể gây bệnh cho tôm. Cá Diêu hồng, Rô phi và một số đối tượng nuôi khác đưa vào nuôi luân canh, xen canh trong ao nuôi tôm có thể vụ tiếp theo nếu các hộ nuôi tôm thì hiệu quả mang lại sẽ cao hơn.
Xuất phát từ hiệu quả của mô hình này mà đến nay, không những trên địa bàn của xã Tam Xuân 1 mà còn có rất nhiều hộ có diện tích vùng triều kém hiệu quả ở các xã ven sông Trường Giang của huyện Núi Thành đã làm theo và rất thành công, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, mang tính ổn định và cải thiện môi trường đáng kể ./.