1. MỞ ĐẦU
Xây dựng các mô hình trình diễn (MH) nhằm chứng minh lợi ích và tính khả thi của một kỹ thuật mới, đồng thời trình bày các bước áp dụng kỹ thuật đó là một phương pháp được các cơ quan nghiên cứu và khuyến nông thường áp dụng trong chuyển giao các kỹ thuật tiến bộ (KTTB) cho người dân. Cũng như nhiều tổ chức khác, trung tâm Phát triển nông thôn (PTNT) miền Trung, Đại học Nông Lâm Huế đã xây dựng thành công một số loại mô hình và đã tích cực tổ chức nhân rộng ra sản xuất.
Bài viết này nhằm chia sẻ một số kinh nghiệm của trung tâm trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình trong thời gian qua. Các mô hình được xây dựng dưới sự tài trợ của các dự án và Trung tâm là cơ quan hỗ trợ về kỹ thuật cho việc xây dựng các mô hình này.
2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ MÔ HÌNH TRÌNH DIỄN
1. Khái niệm về mô hình
Trong thực tế, để khái quát hoá các sự vật, hiện tượng, các quá trình, các mối quan hệ hay một ý tưởng nào đó, người ta thường thể hiện dưới dạng mô hình. Có nhiều loại mô hình khác nhau, mỗi loại mô hình chỉ đặc trưng cho một điều kiện sinh thái hay sản xuất nhất định nên không thể có mô hình chung cho tất cả các điều kiện sản xuất khác nhau.
Theo quan niệm của nhiều cơ quan chuyển giao, mô hình trình diễn kỹ thuật cần có các đặc trưng sau:
- Là hình mẫu tối ưu cho một giải pháp sản xuất
- Phải có tính đại diện cho vùng có điều kiện tương tự
- Phải ứng dụng được các KTTB vào sản xuất
- Phải có tính hiệu quả: về kinh tế, xã hội và môi trường
2. Sự cần thiết phải xây dựng các mô hình trình diễn
Để giúp cho người dân phát triển sản xuất và xoá đói giảm nghèo, việc xây dựng các mô hình sản xuất là rất cần thiết vì các lý do sau đây:
- Thực tế đã khẳng định, muốn làm giàu trong sản xuất nông, lâm nghiệp thì không thể sản xuất theo kiểu quảng canh, tự cấp, tự túc mà phải áp dụng các kỹ thuật tiến bộ, thâm canh tăng năng suất và tiến đến sản xuất theo hướng hàng hoá.
- Để đáp ứng yêu cầu của việc chuyển đổi phương thức canh tác nhằm phù hợp với thực tế sản xuất. Ví dụ, hiện nay khi diện tích bãi chăn thả ngày càng bị thu hẹp, việc duy trì số lượng đàn bò là rất khó khăn nếu vẫn thực hiện phương thức chăn thả truyền thống như trước đây. Do vậy, việc xây dựng các mô hình nuôi bò bán thâm canh là cần thiết để hướng dẫn cho người dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhằm thích ứng với tình hình mới của thực tiễn sản xuất để phát triển sản xuất chăn nuôi bò.
- Đáp ứng các nhu cầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp với điều kiện sinh thái để đem lại hiệu quả kinh tế, hoặc phải luồn lách theo thời vụ nhằm né tránh thời tiết khắc nghiệt. Ví dụ, các mô hình vườn đồi, mô hình trồng rau, ... ở trung du và miền núi.
- Nhằm tạo cho người dân ý thức về phát triển bền vững, nghĩa là phát triển kinh tế phải quan tâm đúng mức tới bảo vệ môi trường, không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ví dụ, mô hình chăn nuôi kết hợp với Bioga, mô hình vườn đồi, ...
- Tạo ra những hình mẫu về sản xuất để tổ chức các chuyến thăm quan học tập, các lớp tập huấn hay hội nghị đầu bờ nhằm chuyển giao các kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất theo cách "nông dân tự chuyển giao cho nông dân".
- Để ứng dụng những kỹ thuật mới hoặc thuyết phục người dân trước khi phổ biến ra diện rộng. Góp phần khẳng định tính khả thi của một phương án sản xuất để giai đoạn tiếp theo chỉ cần tiếp tục bổ sung chứ không phải mày mò thử nghiệm mà có thể yên tâm phát triển trên diện rộng khi có vốn đầu tư và có thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nghiên cứu về phương pháp chuyển giao KTTB tại 13 tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy: Xây dựng mô hình trình diễn là phương pháp chủ đạo để chuyển giao các KTTB cho người dân (93,3% số cơ quan và dự án áp dụng). Đây là phương pháp rất thành công, nhất là với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, hầu hết cán bộ và nông dân được phỏng vấn ở 13 tỉnh đều cho rằng: Mô hình trình diễn là rất quan trọng vì: (1) nông dân chỉ làm theo khi họ thấy được kết qủa, và (2) mô hình là nhằm để khẳng định tính phù hợp của KTTB tại địa phương.
3. Một số nguyên tắc khi thực hiện mô hình
- Phải đáp ứng các nhu cầu đích thực của nông dân và mang lại hiệu quả kinh tế cho họ.
- Người dân cần xác định rõ trách nhiệm của mình khi tham gia các mô hình. Phải làm cho dân hiểu: Làm mô hình là vì lợi ích của chính họ, không phải làm "cho" dự án.
- Khuyến khích sự tham gia của người dân càng nhiều càng tốt, đó chính là điều kiện để đảm bảo tính bền vững của mô hình.
- Chỉ hỗ trợ, không "ban phát", làm thay dân.
- Thông qua mô hình để xây dựng năng lực và chuyển giao kỹ thuật cho ngưòi dân.
- Cần xác định qui mô phù hợp với khả năng đầu tư của dân để có thể thực hiện thành công mô hình và nhân rộng sau này.
- Kỹ thuật chuyển giao phải phù hợp với trình độ dân trí và các điều kiện thực tế của địa phương.
- Chú ý sự phát triển bền vững và khả năng để nhân rộng.
3. CÁC BƯỚC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN MÔ HÌNH
Quá trình xây dựng mô hình gồm 8 bước với sự tham gia tích cực của người dân vào tất cả các hoạt động của mô hình. Tuy nhiên hình thức và mức độ tham gia ở mỗi bước có khác nhau. Tiến trình xây dựng mô hình có thể tóm tắt như sau:
Bước 1: Đánh giá thực trạng và xác định nhu cầu
- Thành phần tham gia: Rất rộng rãi, bao gồm nhiều tầng lớp (lãnh đạo địa phương, cán bộ kỹ thuật và nông dân; Các nhóm đối tượng khác nhau tại cộng đồng (giàu, nghèo, già, trẻ); Và các giới (nam, nữ), ...
- Nội dung:
+ Đánh giá thực trạng về kinh tế - xã hội của địa phương.
+ Tình hình sản xuất có liên quan tới việc xây dựng MH:
(1) Các phương pháp canh tác đang áp dụng
(2) Các khó khăn trong sản xuất
(3) Các khó khăn trong việc áp dụng các KTTB
(4) Các kinh nghiệm của địa phương:
+ Tìm hiểu nguyện vọng của cộng đồng về các kỹ thuật mới.
+ Xem xét điều kiện thực tế của địa phương để có thể thực hiện được các kỹ thuật đó.
- Công cụ sử dụng để đánh giá:
+ Thu thập các số liệu thứ cấp
+ Phỏng vấn cá nhân, nhóm
+ Họp dân
Ghi chú:
- Bước này được tiến hành trong quá trình điều tra xây dựng dự án.
- Vì các mô hình do Trung tâm xây dựng đều được thực hiện trong điều kiện đã có sự giúp đỡ về tài chính của dự án (nên không phải tìm nguồn kinh phí để thực hiện). Trong trường hợp chưa có dự án, cần phải tìm nguồn tài trợ trước khi tiến hành các bước tiếp theo để xây dựng mô hình.
Bước 2: Chọn địa điểm xây dựng MH và thành lập tổ chỉ đạo kỹ thuật
- Thành phần tham gia: Hẹp hơn, gồm các cán bộ lãnh đạo, khuyến nông và cán bộ kỹ thuật.
- Nội dung:
+ Chọn điểm xây dựng mô hình: Cần chọn địa điểm phù hợp, có tính đại diện để nhân rộng, dễ dàng cho việc tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn tại mô hình, đồng thời có thể thu hút nhiều người xem nhất.
+ Thành lập tổ chỉ đạo kỹ thuật gồm đại diện của ban quản lý dự án, các cán bộ của cơ quan tư vấn (chuyển giao), cán bộ kỹ thuật huyện, xã, ...
- Tổ chỉ đạo kỹ thuật sẽ tổ chức cho việc hình thành nhóm cùng sở thích (NST).
- Cách tiến hành: Họp nhóm
Bước 3: Thành lập nhóm cùng sở thích và tổ chức bộ máy điều hành
- Thành phần tham gia: Gồm các cán bộ lãnh đạo, khuyến nông, cán bộ kỹ thuật và những người có cùng sở thích trong sản xuất.
- Nhóm cùng sở thích (NST) là nhóm bao gồm các hộ nông dân có cùng nguyện vọng để phát triển một lĩnh vực nào đó trong sản xuất và hoạt động theo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện.
- Chức năng của NST: Là nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ cho các thành viên phát triển sản xuất. Liên hệ với các cơ quan khuyến nông và các chương trình/dự án để hỗ trợ cho các hoạt động của nhóm.
- Cách thành lập:
Tổ chỉ đạo kỹ thuật thông báo rộng rãi trong toàn dân và tuyên truyền về chức năng , nhiệm vụ của nhóm và lợi ích của thành viên khi tham gia NST.
Phát đơn cho tất cả mọi người có nhu cầu đăng ký tham gia.
Tổ chỉ đạo kỹ thuật triệu tập cuộc họp để lựa chọn ban lãnh đạo lâm thời của nhóm. Ban lãnh đạo lâm thời làm đơn xin thành lập nhóm và trình UBND xã phê duyệt.
Khi đã được UBND xã đồng ý, ban lãnh đạo lâm thời sẽ tổ chức các cuộc họp để thảo luận nhằm xây dựng quy chế và kế hoạch hoạt động, đồng thời chuẩn bị cho việc ra mắt NST. Qui chế cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và sự đóng góp (cả bằng tiền và hiện vật) của các bên tham gia.
Tổ chức ra mắt nhóm: Công bố quyết định thành lập nhóm, thảo luận và biểu quyết về các nội dung; (i) Danh sách thành viên chính thức của nhóm; (ii) Quy chế hoạt động của nhóm; (iii) Bầu ban lãnh đạo nhóm; Và (iv) Thông qua biên bản cuộc họp.
Bước 4: Đánh giá nhu cầu chuyển giao các KTTB
- Thành phần tham gia: Ban quản lý DA, cán bộ nghiên cứu, lãnh đạo (thôn, xã), cán bộ khuyến nông (xã, huyện) và NST, (có thể mời thêm những người có hiểu biết và kinh nghiệm trong cộng đồng).
- Nội dung:
+ Xác định những kỹ thuật nào cần được chuyển giao? Kỹ thuật đó có phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và phong tục tập quán của địa phương không?
+ Những kỹ thuật đó sẽ nhằm giải quyết vấn đề gì cho sản xuất? Sự mong muốn của người dân về các kỹ thuật mới này như thế nào?
+ Xác định nhu cầu tập huấn, tư vấn giúp đỡ, ... cho nông dân
+ Xác định mục tiêu trình diễn: Để làm gì ? Nông dân sẽ làm được gì sau khi xem các mô hình trình diễn,...?
- Cách tiến hành: tổ chức các cuộc họp
Bước 5: Chọn hộ xây dựng MH
- Thành phần tham gia: Các cán bộ lãnh đạo, khuyến nông (thôn/xã), cán bộ kỹ thuật và NST.
- Các tiêu chuẩn chọn hộ:
+ Hộ hoàn toàn tự nguyện
+ Có tính đại diện cho việc nhân rộng
+ Hộ tương đối khá, có ý chí và quyết tâm trong sản xuất
+ Có điều kiện (đất đai, lao động, ...) để xây dựng MH
+ Có nguyện vọng áp dụng KTTB trong sản xuất
+ Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ các hộ khác
+ Cam kết thực hiện tốt qui định của dự án, các hoạt động và các KTTB được chuyển giao
- Ký kết hợp đồng trách nhiệm với các hộ đã được chọn
- Cách tiến hành: Họp nhóm sở thích.
Bước 6: Xây dựng kế hoạch và các nội dung hoạt động
- Mục đích: Quyết định về nội dung và tiến trình thực hiện.
- Thành phần tham gia: tổ kỹ thuật, các hộ thực hiện MH và NST.
- Cán bộ kỹ thuật giúp dân lựa chọn được các giải pháp kỹ thuật thích hợp để giải quyết các vấn đề đã được xác định.
- Kế hoạch và nội dung hoạt động được xác định dựa trên: hiện trạng, mục tiêu và nhu cầu của dân đối với việc chuyển giao kỹ thuật mới.
- Dân tham gia lập kế hoạch hoạt động cụ thể như sau:
+ Thời gian: Khi nào bắt đầu, thực hiện, kết thúc, đánh giá, ...
+ Khối lượng công việc cụ thể cho từng hoạt động
+ Xác định rõ nguồn lực: Của hộ, và hỗ trợ của dự án
Bước 7: Tổ chức thực hiện MH và giám sát đánh giá định kỳ
- Chỉ đạo để thực hiện theo kế hoạch đã đề ra
- Tổ chức tập huấn: Những lưu ý khi tập huấn
+ Từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp
+ Nội dung phù hợp với nhu cầu của dân, dễ hiểu
+ Chỉ tập huấn nội dung mới khi nông dân đã làm tốt các nội dung đã được tập huấn trước
+ Chọn phương pháp phù hợp, dùng nhiều tranh ảnh, hình vẽ, băng hình
+ Tập huấn ngoài đồng ruộng, trên MH
- Hỗ trợ kỹ thuật sau tập huấn: Những lưu ý khi hỗ trợ kỹ thuật
+ Thường xuyên theo dõi để giúp dân làm được theo những nội dung đã học
+ Theo cách cầm tay chỉ việc
+ Phương thức "nông dân chuyển giao cho nông dân"
- Giám sát, đánh giá định kỳ
+ Ai giám sát? Ban quản lý, cán bộ kỹ thuật và NST.
+ Cách làm: Phỏng vấn, họp nhóm, họp dân
+ Đánh giá, giám sát cái gì?
+ Đánh giá chung: MH có đạt được mục tiêu đề ra không ? Những hạn chế ? Tính khả thi ? Tính dễ làm ? Khả năng áp dụng ? Tính bền vững ? Ảnh hưởng tới SX ở địa phương.
+ Việc thực hiện kế hoạch: Tiến độ các hoạt động, tài chính, phân bổ nguồn lực,... so sánh với kế hoạch ban đầu để điều chỉnh (nếu cần)
+ Về kỹ thuật: Các qui trình kỹ thuật có được tuân thủ triệt để không ? Có gặp khó khăn gì ảnh hưởng đến kỹ thuật không ? Khả năng ứng dụng của đông đảo số hộ trong thôn/xã.
+ Đánh gía về tổ chức, quản lý
+ Đánh giá về hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của cơ quan tư vấn.
+ Đánh giá về kết quả, lợi ích và hiệu quả của MH .
+ Sự đóng góp và sự thực hiện của các hộ như đã cam kết
Bước 8: Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện MH
- Thành phần tham gia: Các cán bộ lãnh đạo, khuyến nông (thôn/xã), cán bộ kỹ thuật, các hộ MH , NST, đại diện của nông dân và những người quan tâm.
- Tư liệu hoá: Tổng kết tất cả những thông tin, kết quả, kinh nghiệm,... để giúp cho việc tuyên truyền và nhân rộng.
- Đánh giá sự thành công trên các khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường, ...
+ Về kinh tế: Xem xét về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của sản xuất, sự phù hợp với điều kiện hiện tại (nhất là mức đầu tư) của nông hộ, vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm, ...
+ Về xã hội: Xem xét về khả năng tạo việc làm và nâng cao thu nhập, những đóng góp trong việc nâng cao kiến thức và nhận thức của người dân trong sản xuất, sự thay đổi về tập quán canh tác (từ lạc hậu sang áp dụng các KTTB mới, ...).
+ Về môi trường: Sự đóng góp của kỹ thuật mới trong việc bảo vệ môi trường sinh thái (do canh tác hợp lý và có kỹ thuật), có gây ô nhiễm môi trường không.
+ Tính bền vững và khả năng áp dụng: Xem xét về thái độ và cách ứng xử của người dân với các kỹ thuật mới, bao nhiêu hộ trong địa phương có thể áp dụng được các kỹ thuật này ? ...
- Cách tiến hành:
+ Kiểm tra tại thực địa
+ Tổ chức hội thảo để tổng kết
Bước 9: Tổ chức nhân rộng
- Tuyên truyền, vận động và chứng minh để người dân thấy rõ những lợi ích, nhất là lợi ích về kinh tế của MH.
- Tổ chức các hội nghị đầu bờ, tham quan, học tập
- Giúp đỡ cho chủ hộ các nội dung để chia sẻ kinh nghiệm
- Dùng phương thức "nông dân chuyển giao cho nông dân"
- Các thành viên trong NST được dự án ưu tiên cho vay vốn và các cán bộ của Trung tâm sẽ định kỳ kiểm tra để hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình nhân rộng MH.
- Hình thành các nhóm sở thích (ở các cơ sở mới), thông qua đó để tiếp tục nhân rộng các kỹ thuật đã trình diễn.