Green Orange Blue
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

Những bài học từ chuyến tham quan học tập các mô hình nông nghiệp tại tỉnh Aichi - Nhật Bản
Người đăng: Võ Văn Nghi .Ngày đăng: 07/08/2019 09:27 .Lượt xem: 4221 lượt.
Vừa qua, từ ngày 22 đến 26 tháng 7 năm 2019, tôi vinh dự được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho tham gia đoàn công tác tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Aichi – Nhật Bản. Mặc dù chuyến công tác không dài, thăm quan được 5 điểm nhưng những bài học đem lại cho chúng tôi là rất bổ ích.

Bài học từ các điểm tham quan

 Tại Trang trại rau, hoa kết hợp với du lịch Nishi Mikawa tỉnh Aichi: Trang trại sản xuất theo chuỗi khép kín từ: Sản xuất đến phân phối và bán hàng. Tại trang trại có cửa hàng phục vụ khách hàng và khách du lịch. Ngoài ra còn cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng toàn tỉnh. Trang trại sản xuất các loại rau: Dưa chuột, bắp cải, dưa hấu, đậu các loại; trứng gà, các loại hoa. Điểm nổi bật cần học tập là: Trang trại sản xuất hữu cơ, không sử dụng hóa chất; sản phẩm bao bì nhãn mác bắt mắt, giá bán (quy ra tiền Việt Nam tương đương với sản phẩm cùng loại bán tại Việt Nam- Đây là điểm đáng lưu tâm, vì sản xuất hữu cơ tại Nhật nhưng giá thành sản phẩm thấp, gía bán so với thu nhập của người dân Nhật là thấp), Trang trại chi có mã QRcod (mã điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm) cho cả Trang trại mà không cấp riêng cho từng sản phẩm. Được chủ trang trại giải thích: Uy tín của Trang trại đã có trên thị trường vì thế chỉ cần biết sản phẩm này của trang trại thì người tiêu dùng yên tâm. Qua đó cho thấy thương hiệu là rất quan trọng; Ngay trang trại có cánh đồng hoa (nhiều loại hoa, đủ màu sắc) vừa bán hoa vừa phục vụ cho du lịch và tham quan, học tập của trẻ em, học sinh.

Tại trang trại trồng rau, nho chế biến rượu nho tại tỉnh Aichi: Trang trại nghiên cứu chọn được 02 giống nho phù hợp với điều kiện sản xuất ở tỉnh Aichi (một tỉnh có lượng mưa tương đương với tỉnh Quảng Nam của Việt Nam), trồng nho theo quy trình hữu cơ, cho sản phẩm nho sạch; áp dụng công nghệ sản xuất rượu nho của Pháp và Braxin, trang trại gắn với du lịch và bán sản phẩm rượu nho.


Trang trại Nho trồng theo quy trình hữu cơ tại tỉnh Aichi - Nhật Bản
                                                                                                             (Ảnh: Văn Nghi)

          Tại Trung tâm hành chính tỉnh Aichi: Được Tỉnh trưởng tỉnh Aichi, ông: Omorachigi tiếp xã giao và lãnh đạo Sở Nông, lâm, thủy sản  tỉnh Aichi cung cấp các thông tin về tổng thể tình hình nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Aichi. Cho thấy:

+ Aichi là một tỉnh lớn của Nhật Bản, có 5.165 km2, dân số: 7,4 triệu người (riêng người Việt Nam sinh sống và học tập tại tỉnh là hơn 20.000 người, là một trong tỉnh có người Việt nam đông nhất Nhật Bản); Công nghiệp đứng thứ 2 toàn quốc (sau Tokyo); dân số làm nông nghiệp chỉ chiếm 2% nhưng giá trị ngành nông, lâm thủy sản của tỉnh chiếm 9% GDP, đứng thứ 7 toàn quốc về Nông, lâm, thủy sản.

+ Tỉnh Aichi-Nhật Bản đa dạng sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, có nhiều sản phẩm đặc trưng và nổi tiếng như: Trồng tía tô nhiều nhất nước, Trồng chè và sản xuất Trà Matcha lớn thứ II của Nhật, trồng Bắp cải lâu đời và hiện chiếm 50% lượng bắp cải cho cả nước. Lúa gạo chiếm 22% nội ngành của tỉnh, sản xuất chủ yếu hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ, giảm thiểu việc sử dụng vô cơ và thuốc BVTV hóa học. Ngoài ra, các ngành lâm nghiệp, thủy sản cũng phát triển đồng đều và có nhiều sản phẩm phong phú.

+ Về tổ chức sản xuất: Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chủ yếu là trang trại và Hợp tác xã, toàn tỉnh có 321 HTX nông nghiệp, chiếm 50% các hình thức tổ chức sản xuất. HTX hầu hết cung cấp các dịch vụ như: Dịch vụ về sản xuất; Chợ, cửa hàng, du lịch, cho xã viên vay vốn.

 Tại chợ hoa Toyoaki tỉnh Aichi (trung tâm giao dịch bán đấu giá hoa): Đây là một trong 20 chợ hoa của toàn Nhật Bản nhưng là chợ hoa lớn nhất về bán hoa chậu (có bán hoa cắt cành nhưng hoa trồng trong chậu chiếm đa phần). Đặc biệt Trung tâm này có các công ty dịch vụ vận tải trực thuộc đến tận nông trại, HTX để vận chuyển hoa về trung tâm bán đấu giá. Tiền bán đấu giá sản phẩm nông dân được hưởng (trung tâm chỉ thu vài phần trăm chi phí theo quy định). Nhờ đó, người sản xuất không bị tư thương chèn ép giá; giá bán được đấu giá công khai tại các phiên đấu giá.


Phiên đấu giá hoa tại Trung tâm bán đấu giá hoa của tỉnh Aichi - Nhật Bản
                                                                                                                                   (Ảnh: Văn Nghi)

 Tại công trường chế biến gạo MOG: Công trường có Nhà máy chế biến gạo cao cấp, khép kín (xửu lý khí thải và bụi rất tốt), gạo được chế biến từ lúa sản xuất tại tỉnh Aichi (không nhập lúa nơi khác), xây dựng thương hiệu gạo cho Tỉnh, tiêu thụ toàn quốc và có xuất khẩu lượng ít qua Hồng Kong – Trung Quốc. Điểm đặc biệt mà chúng ta cần học tập là toàn tỉnh chỉ trồng chủ lực 4 giống lúa (cho 4 vùng sinh thái), có chất lượng gạo cao; chế biến gạo có phòng kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt đạt tiêu chuẩn mới cho xuất bán trên thị trường, luôn đảm bảo uy tín thương hiệu gạo. Nhà máy, công trường nhưng khói, bụi và tiếng ồn được kiểm soát tối đa (môi trường rất tốt), sản xuất nhưng đồng thời phục vụ cho du khách tham quan, hàng tuần cho trẻ em vào tham quan, học tập để các em yêu quý nghề trồng lúa, và thích ăn cơm hơn, giúp các em yêu quý thiên nhiên, môi trường sinh thái nông nghiệp.


Cánh đồng lúa ở tỉnh Aichi - Nhật Bản
                                                                                          (Ảnh: Văn Nghi)

         Tại Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp tỉnh Aichi, học viên nông nghiệp Higashi-Mikawa: Trung tâm chỉ nghiên cứ 03 loại cây trồng (rất chuyên sâu, phục vụ cho tỉnh Aichi): Cây chè; rau (chủ yếu là cây Tía tô) và hoa. Trung tâm có 19 cán bộ, công nhân viên, lương, thưởng và các chi phí khác được ngân sách Nhà nước chu cấp 100%. Ngoài ra, Trung tâm được nhà nước đặt hàng 25% công việc, còn lại 75% do các Doanh nghiệp, chủ trang trại đặt hàng nghiên cứu. Tuy là một trung tâm cấp tỉnh nhưng khi nghiên cứu là đồng bộ: Từ giống, quy trình canh tác đến chế biến ra thành phẩm (nhà máy chế biến trà matcha); Tía tô và hoa nghiên cứu khảo nghiệm giống và quy trình canh tác rồi chuyển giao; là nơi đào tạo nghề cho nông dân, HTX.



Ông: Kim Văn Tiêu - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Trưởng đoàn công tác
trao đổi với chuyên gia Nhật về công tác nghiên cứu cây tía tô

                                                                                                                                          (Ảnh: Văn Nghi)

 Thăm Liên hiệp các Hợp tác xã tỉnh Aichi và nhà máy sản xuất phân bón của liên hiệp các hợp tác xã tỉnh: Đây là nhà máy chế biến phân vô cơ (sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sử dụng ít phân vô cơ hơn nhưng yêu cầu phân vô cơ chất lượng cao). Điểm hay đáng học tập của nhà máy là: (i) đây là nhà trực thuộc Liên hiệp các hợp tác xã, giúp các thành viên, xã viên giảm chi phí mua phân bón và sử dụng phân bón chất lượng cao. (ii) Sản xuất phân bó công nghệ cao: Nhập khẩu phân đơn, chế biến phân tổng hợp theo đúng yêu cầu đất, và cây trồng cho từng vùng, từng vụ; phân có lớp bọc bên ngoài bằng công nghệ nano do đó không bị bay hơi và chậm tan, nâng cao hiệu quả sử dụng. Phần lớn phân vô cơ tại Việt Nam chưa áp dụng công nghệ này. (iii) Sản xuất phân bón theo yêu cầu của nông trại: HTX, Nông trại thành viên, trước vụ sản xuất đem mẫu đất đến để Nhà máy phân tích chất lượng, thành phần đất kết hợp với cây trồng dự kiến sản xuất ở vụ đó nhà máy cho ra loại phân bón có thành phần dinh dưỡng tỷ lệ phù hợp với đất và cây trồng từng vụ (sản xuất theo đặt hàng). Đây là điểm rất hay và chi tiết, chúng ta chưa làm được.

 Những bài học từ nền nông nghiệp của tỉnh Aichi-Nhật Bản

Mặc dù Aichi là một tỉnh công nghiệp (đứng thứ 2 toàn quốc sau Tokyo),  dân số làm nông nghiệp chỉ chiếm 2% nhưng giá trị ngành nông, lâm thủy sản của tỉnh chiếm 9% GDP, đứng thứ 7 toàn quốc về Nông, lâm, thủy sản. Điều này cho thấy: Nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh bạn áp dụng khoa học-Công nghệ tiên tiến, có năng suất sản xuất cao, hiệu quả canh tác rất cao.

Tỉnh Aichi-Nhật Bản đa dạng sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, có nhiều sản phẩm đặc trưng và đều xây dựng thương hiệu từ rất lâu, có uy tín cao trên thị trường. Sản xuất nông trại thường theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Cách làm từ nhỏ phát triển dần lên theo nhu cầu thị trường. Điển hình nhất là trang trại trồng nho: Chủ trang trại học tập ở Mỹ, về áp dụng trồng nho (tuyển chọn giống nho phù hợp với điều kiện mưa nhiều của tỉnh – Điều kiện này tương tự như Quảng Nam của chúng ta). Trồng vài ha nhưng đã nhập công nghệ sản xuất rượu vang của Pháp (quy trình công nghệ) và Braxin (nhập thiết bị). Nguyên tắc của Người Nhật là: cái gì họ không giỏi thì mua công nghệ để áp dụng. Bán rượu vang đầu tiên từ du khách, cho họ tham quan hiểu được quá trình trồng trọt, chế biến, họ yêu thích và sử dụng rồi từng du khách quảng bá sản phẩm. Đây là cách tiếp cận rất đáng để các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam học tập và áp dụng.

Về tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản: tỷ lệ sản xuất nông trại và HTX là tương đương (50% nông trại và 50% HTX). Nhưng tất cả đều có tổ chức sản xuất, chế biến và đến tiêu thụ (ngay cả từng trang trại họ cũng tổ chức khâu bán hàng). Những mặt hàng có khối lượng lớn đều có các trung tâm bán đấu giá. Ví dụ như hoa của tỉnh Aichi; đấu giá công khai, minh bạch giúp giảm thiểu khâu trung gian trong chuỗi sản phẩm, người sản xuất bán được giá cao nhất, quan trọng là không bị chèn ép giá; không bị tình trạng giải cứu nông sản như ở Việt Nam. Đồng thời người sản xuất từ yêu cầu của thị trường phải sản xuất tốt hơn và phù hợp với xu hướng thị hiếu của thị trường (mà cụ thể là từ các phiên đấu giá). Đây là khâu rất quan trọng phù hợp với kinh tế thị trường nhưng ở Việt Nam đến nay những mặt hàng lớn như: Lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, rau, hoa, thủy sản…chưa có trung tâm đấu giá. Nếu như Dưa hấu ở Quảng Nam mà có chợ đấu giá thì nông dân và cả người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Liên hiệp các HTX đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuyển giao KHCN, tổ chức cung ứng vật tư đầu vào với giá cả thấp nhất có thể (ví dụ như phân bón họ tổ chức sản xuất để giảm giá thành. Nhưng quan trọng là sản xuất theo yêu cầu từng chân đất, vụ sản xuất và cây trồng). Trong vai trò tổ chức tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các thành viên.

Về áp dụng KHCN trong sản xuất: Qua tham quan các điểm cho thấy Nước Nhật rất chú trọng quan tâm đến KHCN trong sản xuất, chế biến nông, lâm, ngư nghiệp. Ngay một tỉnh họ đã có các trong tâm nghiên cứu chuyên sâu (được nhà nước đảm bảo 100% kinh phí về lương, thưởng)  cho từng nhóm cây trồng, con vật nuôi. Trong khi đó ở Việt Nam, các Viện, Trung tâm nghiên cứu chủ yếu cấp vùng, cấp trung ương, ít có những nghiên cứu ứng dụng chuyên sâu cho từng loại cây trồng, con vật nuôi cho từng tỉnh (vì mỗi tỉnh có những điều kiện tự nhiên, sản xuất khác nhau). Họ chú trọng đồng bộ từ khâu nghiên cứu chọn tạo giống phù hợp đến quy trình canh tác đến khâu chế biến, bao bì nhãn mác hàng hóa. Trong nông nghiệp phần lớn là sản xuất theo quy trình hữu cơ, còn lại quy trình an toàn, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất trong sản xuất và chế biến.

Về môi trường nông thôn: Vùng nông thôn ở Aichi, Nhật Bản ít có sự khác biệt với đô thị, môi trường trong sạch, tôn trọng tối đa bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng. Điều đặc biết là mặc dù công nghiệp phát triển cao nhưng không có tình trạng bỏ ruộng, bỏ đất, họ tôn trọng từng mãnh vườn, mãnh ruộng (chỉ dừng canh tác ở trong nhà lưới, nhà kinh với một vài tháng nắng nóng). Ruộng vườn tràng ngập màu xanh, phong cảnh thiên nhiên hài hòa, đẹp và rất sạch sẽ. Vùng nông thôn họ luôn giữ nét văn hóa truyền thống. một điểm tương đồng với vùng quê Quảng Nam của chúng ta là bờ rào cổng ngỏ ở thôn quê đều sử dụng cây xanh (hầu như không thấy tường rào bằng vật cứng như: thép, bê tông); ngay thành phố cũng có những tuyến đường họ dùng cây xanh (tương tự như chè tàu của chúng ta) làm rào ngăn cách giữa làng o tô và xe thô sơ, cắt tỉa rất đẹp và cảm giác gần gủi. Đấy cũng là điểm mạnh đáng học tập của thôn quê Nhật Bản, thu hút khách du lịch đến với vùng quê, trải nghiệm làm nông nghiệp (các trang trại, nhà máy cũng đều gắn với du lịch, cho lớp trẻ học tập trải nghiệm).

            Một số kiến nghị đề xuất

          Qua chuyến tham quan học tập này, bản thân xin có một số đề xuất kiến nghị như sau:

Nhà nước cần nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KHCN của Nhật Bản vào Việt Nam như: Công nghệ giống mới, trong đó nhất là hoa, tía tô (lá xanh và lá tím), Công nghệ sản xuất trà Matcha (hiện nay rất nổi tiếng, Việt Nam cũng đang nhập khẩu tiêu thụ); công nghệ vi sinh vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản.

Về công tác nghiên cứu: Nên tổ chức nghiên cứu đồng bộ (từ giống, quy trình canh tác đến khâu chế biến ra sản phẩm cuối cùng) cho một đối tượng cây trồng, con vật nuôi nhất định. Thực trạng hiện nay, chúng ta đang có nhiều viện nghiên cứu chuyên sâu từng khâu: Giống, Quy trình sản xuất, chế biến nhưng thiếu gắn kết.

Chính phủ cần chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng các trung tâm bán đấu giá hàng nông sản cấp quốc gia, trước mắt với các mặt hàng Việt Nam có sản lượng lớn như: Lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, rau, hoa, thủy sản, đồ gỗ…

- Đối với tỉnh Quảng Nam:

+ Cần lựa chọn một số mặt hàng nông sản có thế mạnh chủ lực, phù hợp từng vùng tập trung xây dựng sản xuất theo chuỗi giá trị. Tôi đề xuất: Vùng đồng bằng, sản xuất lúa giống (lúa thuần và lúa lai); sản xuất đậu phụng gắn với thương hiệu dầu đậu phụng Quảng Nam; Vùng miền núi: Dược liệu gắn với chế biến; Du lịch nông thôn, đặc biệt uuw tiên mô hình nông nghiệp gắn với giáo dục cho học sinh…

+ Hằng năm, tỉnh cần có dành nguồn kinh phí nhất định cho việc xây dựng các chuỗi sản phẩm nông nghiệp. ưu tiên ứng dụng KHCN cao trong sản xuất nông, lâm ngư nghiệp.

+ Cần thiết tổ chức các phiên chợ đấu giá sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP. Về lâu dài cần có những trung tâm bán đấu giá hàng nông sản.

+ Chú trọng hơn nữa với công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyên giao KHCN, công tác Khuyến nông (tốt nhất là đồng bộ, từ sản xuất, chế biến, tiếp cận thị trường cho từng sản phẩm cụ thể).

 + Các ngành, các cấp cần quan tâm hỗ trợ hơn nữa công tác Hỗ trợ doanh nghiệp, công tác Khởi nghiệp, Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vưc nông nghiệp và phát triển nông thôn (trong đó có nông nghiệp gắn với du lịch), hỗ trợ để củng cố và thành lập mới các HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX 2012 và cách tiếp cận tiên tiến như mô hình của Nhật Bản (tăng cường các dịch vụ hỗ trợ xã viên từ vốn sản xuất đến KHCN và bán hàng) .

+ Quan tâm hơn nữa công tác tiếp nhận, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN, nhất là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, chế biến nông sản.

                                                                                                                                                                                     VĂN NGHI
Nguồn tin: Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam
[Trở về]
Các tin cũ hơn:
Mỹ: Công nghệ cao giúp tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp
FAO: Giá lương thực giảm nhờ nguồn cung ngũ cốc cải thiện
Giải mã thành công bộ gien lúa mỳ
Indonesia: Dự kiến tăng xuất khẩu thủy sản sang Việt Nam
Nông trại trong nhà cho năng suất cao
Nông nghiệp công nghệ cao tại Israsel
Năm 2019, thị trường thủy sản nuôi trồng toàn cầu ​​sẽ đạt 15,9 tỷ USD
Tăng sản lượng ngô toàn cầu phụ thuộc vào việc cải thiện cân bằng dinh dưỡng
12 cách người Israel thay đổi nền nông nghiệp thế giới (P1)
Công nghệ nuôi cá trên sa mạc đạt năng suất cao của Israel
    
1   2  
    






Liên kết Web

THÔNG TIN NGƯỜI PHÁT NGÔN

Họ và tên: Lương Thị Thủy

Chức vụ: Giám đốc

Số điện thoại: 0988.336.228

Email: thuylt3@quangnam.gov.vn

Chuyên đề khuyến nông


    Lượt truy cập

    Tổng số lượt truy cập

    00006837627

    Lượt trong ngày 2145
    Hôm qua: 4504
    Năm trước: 1432689
    Số người đang Online: 70
    Tổng số 6837627