Theo quy định tại Thông tư số: 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2020 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì các trang trại được xác định theo lĩnh vực sản xuất như sau: Trang trại trồng trọt; Trang trại chăn nuôi; Trang trại lâm nghiệp; Trang trại nuôi trồng thuỷ sản; Trang trại sản xuất muối; Trang trại tổng hợp.
Trong đó, trang trại chuyên ngành (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối) là trang trại có tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm; Trang trại tổng hợp là trang trại trong đó không có lĩnh vực sản xuất nào có tỷ trọng giá trị sản xuất chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm.
Chăn nuôi heo đen bản địa tại miền núi Quảng Nam (xã Phước Năng- Phước Sơn)
Chủ trang trại được hưởng các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển và có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định hiện hành.
Chủ trang trại muốn được hưởng các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển thì chủ trang trại cần phải có Giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Tiêu chí xác định kinh tế trang trại, thủ tục cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại thực hiện theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
1. Tiêu chí kinh tế trang trại (Theo Thông tư số: 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2020 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
(1) Đối với trang trại chuyên ngành:
a) Trồng trọt: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 1,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên;
b) Nuôi trồng thủy sản: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên;
c) Chăn nuôi: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và đạt quy mô chăn nuôi trang trại theo quy định tại Điều 52 Luật Chăn nuôi và văn bản hướng dẫn;
d) Lâm nghiệp: Giá trị sản xuất bình quân đạt từ 1,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 10,0 ha trở lên;
đ) Sản xuất muối: Giá trị sản xuất bình quân đạt 0,35 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.
(2) Đối với trang trại tổng hợp: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.
2. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu xin cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại cần phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đề nghị đề nghị cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại bao gồm các loại giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại;
- Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản.
Đối với diện tích đất cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi có đất xác nhận là người đang sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.
Bước 2: Nộp hồ sơ
- Cá nhân, hộ gia đình hoặc người đại diện theo ủy quyền của cá nhân, hộ gia đình nộp 01 bộ hồ sơ kể trên tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trang trại sản xuất.
- Đối với cơ sở sản xuất nằm trên địa bàn nhiều xã thì cá nhân, hộ gia đình tự quyết trong việc lựa chọn Ủy ban nhân dân cấp xã nào nộp hồ sơ cho thuận tiện nhất.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ
- Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ khi hồ sơ có đủ giấy tờ kể trên, và phải được điền đầy đủ thông tin vào Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
Trường hợp thiếu hoặc có sai dót thì yêu cầu Cá nhân, hộ gia đình hoặc người đại diện theo ủy quyền bổ sung, sửa đổi cho đúng theo quy định.
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã phải trao Giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ trong đó ghi rõ ngày hẹn trả kết quả.
Bước 4: Xác minh và chuyển hồ sơ
- Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, xác nhận Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại và chuyển hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại đến Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Thời hạn xác minh và chuyển hồ sơ: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ;
- Trường hợp không xác nhận Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ.
Thời hạn trả lời: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Bước 5: Cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại
- Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho cá nhân, hộ gia đình trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ từ Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
+ Đầy đủ hồ sơ kể trên;
+ Thỏa mãn tiêu chí xác định kinh tế trang trại kể trên.
- Giấy chứng nhận kinh tế trang trại sau khi cấp được chuyển đến Ủy ban nhân dân cấp xã và trả cho chủ trang trại trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải gửi văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã, trong đó nói rõ lý do để thông báo cho người nộp hồ sơ.
Lưu ý: Nếu sau 13 ngày làm việc, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ mà không nhận được Giấy chứng nhận kinh tế trang trại hoặc không nhận được thông báo không cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại thì người đề nghị cấp giấy chứng nhận có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
(Các bạn tham khảo Thông tư số: 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2020 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về: Quy định tiêu chí kinh tế trang trại ở bài viết tiếp theo)
Tổng hợp từ các văn bản hiện hành, nguồn tin