Giống mít Thái Lan trồng trong vườn nhà cho năng suất trái cao
I. Yêu cầu sinh thái
1.1. Yêu cầu sinh thái của cây Mít
- Nhiệt độ, độ ẩm: Nhiệt độ tốt nhất cho cây mít sinh trưởng và phát triển là 20- 32 độ C. Độ ẩm tương đối của không khí thích hợp cho mít từ 70- 75%, độ ẩm chủ yếu tác động vào thời kỳ ra hoa, đậu quả, các giai đoạn khác ít ảnh hưởng.
- Nước: Mít có bộ rễ ăn sâu, chịu hạn tốt, có thể chịu được khô hạn 3- 4 tháng, nhưng để có năng suất cao nên trồng mít ở những vùng có lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.000- 2.000mm, ngược lại mít chịu úng kém.
- Ánh sáng: Mít là cây ưa sáng. Ánh sáng từ 2.000 - 2.500 giờ/năm, phù hợp cho cây sinh trưởng và phát triển.
- Đất đai: Mít là cây dễ tính, có thể phát triển trên nhiều loại đất khác nhau, gồm: Đất đỏ bazan, phù sa, đất xám, đất đồi núi… Tuy nhiên, đất trồng mít phải thoát nước tốt, có tầng canh tác sâu, mít chịu úng kém, ở các vùng đất thấp, khi trồng phải lên líp. Độ pH đất thích hợp cho trồng mít là 5 - 7,5.
II. Chuẩn bị trồng
1. Tiêu chuẩn cây giống
- Chọn mua giống tại các cơ sở đủ điều kiện theo quy định thông qua hợp đồng kinh tế, cây giống phải có tiêu chuẩn cơ sở được công bố; có hồ sơ chứng minh nguồn gốc giống. Có chứng nhận đăng ký kinh doanh về lĩnh vực giống cây trồng;
- Cây giống phải được ghi nhãn theo quy định gồm: Tên giống cây trồng, tên và địa chỉ của cơ sở sản xuất, kinh doanh; chỉ tiêu chất lượng giống; ngày sản xuất, thời hạn sử dụng; ...
- Trước khi đem ra trồng 2 tuần lễ phải ngừng bón phân, giảm tưới nước.
1.1. Giống mít (Cây gốc ghép)
Tiêu chuẩn cây con xuất vườn: quy cách cây giống cao 40 - 60 cm, chiều cao mắt ghép tối thiểu 15 cm; Đường kính bầu 15 - 30cm, Bộ rễ phát triển mạnh, lá đang giai đoạn già, vết ghép tiếp hợp tốt, cây sạch bệnh.
2. Thời vụ
Có thể trồng được quanh năm những tốt nhất vào đầu mùa mưa.
Quảng Nam, trồng vào tháng 8 - 9 hằng năm hoặc từ tháng 12 năm trước đến tháng 01 năm sau.
3. Thiết kế vườn trồng
- Lựa chọn xây dựng các mô hình cải tạo vườn tạp, cây trồng chính giống Mít Thái Lan,
- Vườn trồng phải được thoát nước tốt trong mùa mưa, chống xói mòn để đảm bảo độ phì cho đất.
- Dọn sạch các cây trồng vụ trước, quanh vườn phải thông thoáng.
- Xây dựng hệ thống tưới tiêu, đường đi nội bộ trong vườn.
- Hàng trồng:
+ Mít được bố trí theo hướng Đông - Tây để các cây trồng trên hàng tận dụng được nhiều ánh sánh hơn. Cây trồng trên các hàng kề nhau được bố trí theo hình nanh sấu.
4. Hố trồng
Đất phải được dọn sạch cỏ dại, đào hố và bón lót trước khi trồng. Đào hố có kích thước 40 cm x 40 cm x 40 cm.
Đối với đất có độ dốc > 80 đào hố 40 cm x 40 cm x 60 cm (sâu 60 cm)
III. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
1. Mật độ và khoảng cách trồng
- Cây mít là cây ưa sang, cần nhiều ánh sáng để cây sinh trưởng và phát triển.
Mật độ trồng 400 cây/ha. Khoảng cách 5m x 5 m.
2. Cách trồng
- Dùng cuốc hoặc bay moi giữa tâm hố sao cho lỗ moi sâu hơn túi bầu, dùng dao rạch bỏ túi bầu, cắt bỏ đuôi chuột (rê cọc) bị xoắn lại, đặt bầu cây vào ngay ngắn, rút nhẹ túi bầu ra, cho đất mịn vào xung quanh dùng tay ép chặt đất xung quanh sát với bầu cây, vun thêm đất mặt vào quanh gốc cây theo hình mâm xôi và cao hơn cổ rễ cây trồng từ 2 - 3cm.. Nén chặt và tưới nước;
Cây cao dùng cọc cắm cố định cho cây khỏi đỗ ngã. Tủ xung quanh gốc bằng các vật liệu sẵn có để che cỏ dại, rơm rạ cách gốc 10 cm, chống xóa mòn vào mùa mưa và giữ ẩm vào mùa khô.
- Trồng cây mặt bầu ngang bằng với mặt đất. Nếu độ dốc cao hơn 7% trồng thấp hơn mặt đất 10 - 20cm.
3. Tưới tiêu nước
- Tháng đầu sau khi trồng nếu khô hạn phải tưới thường xuyên 2-3 ngày/lần. Sau đó, có thể tưới 4 - 5 ngày/lần. Từ năm thứ hai trở đi, tưới cho cây vào giai đoạn mới bón phân và những tháng quá khô hạn.
- Mít rất sợ úng nên vào mùa mưa lũ, phải kiểm tra kênh mương cống rãnh và có kế hoạch chống úng.
4. Bón phân
4.1. Bón phân cho cây mít
4.1.1. Bón lót
Trước khi trồng 10 - 15 ngày cần bón: mỗi hố trộn lớp đất mặt với 10 - 20kg phân chuồng hoai mục (phân chuồng đã xử lý chế phẩm sinh học Trichoderma) + 0,5kg lân + 0,5 - 1kg vôi bột, lấp đất mỏng.
4.1.2. Bón thúc
* Đối với phân chuồng hoai mục
- Cách bón: Phải đào rãnh sâu xung quanh gốc hay một phần tán cây mít để bón, theo hình chiếu của tán cây.
Năm
|
Thời gian bón
|
Lượng phân chuồng/cây
|
Cách gốc
|
Rãnh
|
Năm 1
|
Cuối mùa mưa
(tháng 12 - tháng 01 năm sau)
|
8 kg
|
Đào rãnh cách gốc 30cm
|
rộng 20cm x 20cm
|
Năm 2
|
Đầu mùa mưa
(Tháng 8 - 9)
|
15kg
|
Đào rãnh cách gốc 80cm
|
rộng 25cm x 20cm
|
Năm 3
|
Thu hoạch xong
(Sau thu hoạch 7 - 10 ngày)
|
25kg
|
quanh rìa tán cây
|
rộng 30cm x 25cm
|
Năm 4
|
Thu hoạch xong
(Sau thu hoạch 7 - 10 ngày)
|
35kg
|
quanh rìa tán cây
|
rộng 30cm x 25cm
|
Năm 5
|
Thu hoạch xong
(Sau thu hoạch 7 - 10 ngày)
|
45kg
|
quanh rìa tán cây
|
rộng 30cm x 25cm
|
* Đối với phân hóa học
- Có thể dùng phân tổng hợp NPK (16 - 16 - 8) trong thời kỳ xây dựng cơ bản (năm 1, năm 2) và NPK (20 - 20 - 15) vào các năm sau (năm thứ 3 trở đi).
- Lượng phân bón NPK tổng hợp nên sử dụng với mức độ như sau:
Tuổi cây
(năm)
|
Lượng phân
|
Số lần bón/ năm
|
Thời gian bón
|
NPK (kg/gốc)
|
Kali (kg/gốc)
|
1
|
0,5
|
0,1 - 0,3
|
4 lần
|
Cứ 1 - 1,5 tháng bón 1 lần
|
2
|
1,0
|
0,1 - 0,3
|
4 lần
|
Cứ 1 - 1,5 tháng bón 1 lần
|
3
|
1,5
|
0,1 - 0,3
|
3
|
- Lần 1, 2: Bón vào đầu và cuối mùa mưa.
- Lần 3: Sau thu hoạch 7 - 10 ngày, kết hợp làm cỏ, xới xáo + phân chuồng và 1 - 2 kg lân
|
4
|
2,0
|
0,3
|
2
|
- Lần 1: Bón vào đầu mùa mưa
- Lần 2: Sau thu hoạch 7 - 10 ngày, kết hợp làm cỏ, xới xáo + phân chuồng và 1 - 2 kg lân
|
5
|
4,0
|
0,4 - 0,5
|
2
|
> 6
|
5,0
|
0,4 - 0,5
|
2
|
* Cách bón
- Khi cây giao tán, đất đủ ẩm không cần đào rãnh mà có thể dùng cuốc xới nhẹ lớp đất chung quanh tán cây, bón phân, lấp đất lại và tưới nước.
- Sau khi thu hoạch cuốc rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu của tán cây, rãnh sâu 25 cm, rộng 30 cm cho phân vào, lấp đất và tưới nước. Các loại phân trộn đều cho vào rãnh lấp kín đất, tủ rơm giữ ẩm.
* Lưu ý
+ Bón nhiều Lân và Đạm vào cuối thời kỳ cây mít nuôi trái.
+ Bón phân hóa học kết hợp với phân chuồng ở những giai đoạn tương ứng.
+ Quan tâm bổ sung cho cây, các loại phân trung lượng, vi lượng, bằng các chế phẩm có bán trên trị trường để giúp cây nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng.
5. Chăm sóc
5.1. Cây mít
- Làm cỏ cho cây mít: Định kỳ làm cỏ xung quanh cây kết hợp tủ gốc, tưới nước.
Những năm đầu cây còn nhỏ chưa giao tán phải làm sạch cỏ gốc, trồng cây phân xanh ở giữa các hàng cây hoặc có thể trồng xen các cây họ đậu tận dụng đất và để che phủ đất giữ ẩm, chống cỏ dại, vừa tạo nguồn phân xanh cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây;
Khi cây vào thời kỳ kinh doanh (cho trái), làm cỏ xung quanh hình chiếu tán cây kết hợp tủ gốc, tưới nước đủ ẩm cho cây. Cần giữ cỏ trong vườn nhằm giữ ẩm cho đất và chống xói mòn, chống đóng váng đất trong mùa mưa;
- Tỉa cành, tạo tán cho cây mít:
+ Giúp cây tăng trưởng cân đối, các cành cấp 1 (cành ngang) phân bố đều nhau, loại bỏ các cành sâu bệnh, cành già cỗi, cành tược, mọc không đúng hướng. Việc tỉa cành nên tiến hành khi cây cao khoảng 1m trở lên, cây còn nhỏ tỉa cành tạo tán 2-3 lần/năm. Cây lớn mỗi năm một lần khi thu hoạch trái xong.
+ Cách tỉa: Cắt bỏ cành sát mặt đất, cành mọc song song với thân chính, giữ lại các cành cấp 1 cách gốc khoảng 40 cm trở lên (cành trên vết ghép), cành trên cách cành dưới 40 - 50 cm, tạo thành tầng, mỗi tầng để không quá 5 cành cấp 1, phân bố đều ra các hướng làm khung cho cành cấp 2.
Sau khi cành cấp 1 phát triển, sẽ cho ra những cành cấp 2, mỗi cành cấp 1 giữ lại 2 - 3 cành cấp 2. cành cấp 2 này cách cành cấp 2 khác 15 - 20 cm.
Từ các cành cấp 2 này sẽ cho ra các cành cấp 3, số lượng cành cấp 3 không giới hạn, nhưng cần loại bỏ các chỗ cành mọc quá dày hoặc quá yếu. Sau 2 năm, cây sẽ có bộ tán cân đối, thuận lợi trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch;
- Tỉa quả theo tuổi cây: Do cây cho quả nhiều, mỗi cây trên 100 quả/năm, nếu không tỉa bỏ bớt sẽ ảnh hưởng đến cây như làm gãy nhánh, quả bị méo mó, sâu bệnh,… Việc tỉa bỏ bớt quả là điều cần thiết và chỉ chừng lại những quả đẹp và số lượng quả chừa theo năm trồng của cây như sau:
+ Năm thứ 2 sau trồng có quả, tỉa bỏ để lại 5 quả/cây.
+ Năm thứ 3 sau trồng có quả, để lại 20 quả/cây.
+ Năm thứ 4 sau trồng có quả, để lại 40 quả/cây.
+ Năm thứ 5 sau trồng có quả, để lại 50 quả/cây.
+ Những năm tiếp theo sau đó chỉ nên để lại số lượng từ 70 - 80 quả/cây.
IV. Quản lý sâu bệnh hại
1. Trên cây mít
1.1 Bệnh hại
1.1.1. Bệnh thối gốc, chảy nhựa
- Bệnh xảy ra trên các vườn mít quá ẩm ướt và có nhiều loại sâu hại chích hút nhựa cây, gây những vết thương và là cơ hội tốt cho nấm Phytopthora xâm nhập.
- Bệnh thể hiện ở vùng gốc có nhiều vết loét, nước dịch từ bên trong chảy rỉ ra, vỏ vùng gốc bị thối từng mảng to, bề mặt lớp gỗ ẩm ướt và thâm đen. Lá vàng, rụng và cây chết. Thường khi phát hiện được thì bệnh ở tình trạng nặng, khó chữa trị.
- Cách phòng hữu hiệu nhất là trồng cây trên đất cao ráo, thoát nước tốt. Bảo vệ các thiên địch để hạn chế mật độ sâu rầy gây hại, khi cần thiết dùng các loại thuốc hóa học có tính chọn lọc để phun như Ridomyl, Aliette...
1.1.2. Bệnh thối nhũn
- Cây con ở vườn ươm có độ ẩm cao, quá rậm rạp dễ bị bệnh và bệnh lây lan rất nhanh. Bệnh có thể do nấm Rizoctonia solani, Sclerotium, Pythium gây nên.
- Trên thân gốc và bề mặt vật liệu nuôi cây có nhiều hạch nấm tròn to, nhỏ dầy đặc và lây lan nhanh. Bệnh làm teo gốc, thân lá có đoạn tươi xanh và phần non chết gục như bị luộc trong nước nóng.
- Phòng bệnh:
+ Sử dụng phân hoai mục.
+ Tạo thông thoáng, khô ráo và thoát nước tốt.
+ Xử lý nguyên vật liệu trong vườn ươm bằng các loại thuốc như Kitazin, Rovral, Ridomyl ...
- Trị bệnh: Viben C 50BTN, Bonanza 100DD, Score 250EC, Tilt 250ND.
1.1.3. Bệnh thối hoa và quả non
- Bệnh do nấm gây ra. Ban đầu vết bệnh chỉ là một vài đốm nhỏ màu nâu, sau đó cứ lan rộng dần ra xung quanh thành hình tròn hoặc bầu dục nằm theo hướng chiều dọc của quả. Tốc độ phát triển của vết bệnh rất nhanh, nhất là gặp điều kiện ẩm ướt trong các tháng mùa mưa, đôi khi chỉ sau 2-3 ngày là kích thước của vết bệnh tang lên đến vài cm, khoảng một tuần sau vết bệnh có thể phát triển lan ra hết toàn bộ diện tích bề mặt của quả.
- Trên quả bệnh mọc ra rất nhiều túi bào tử màu đen, làm cho cả quả chuyển sang màu đen. Khi sờ tay vào thì lớp màu đen đó sẽ bám vào tay giống như lớp bồ hóng đen.
- Bệnh thường phát sinh, phát triển và gây hại nhiều trong điều kiện ẩm ướt của mùa mưa. Trên một chum nếu một hoa hoặc quả non bị bệnh thì những quả non còn lại khó tránh khỏi. Khi hoa, quả đã bị bệnh thì khó chữa trị. Vì vậy để hạn chế tác hại của bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa là chính như sau:
+ Vườn trồng phải thoát nước tốt.
+ Không nên trồng mít quá dày, đồng thời định kỳ tỉa bỏ những cành nhỏ, cành tăm mọc bên trong tán lá.
+ Nếu vườn thường xuyên bị bệnh gây hại hằng năm thì mỗi khi cây mít ra hoa, quả non nên sử dụng các loại thuốc đặc trị để phòng ngừa.
1.2. Sâu hại
1.2.1. Rầy, rệp hại
Có rất nhiều loài gây hại trên mít, chúng chích hút nhựa lá non, đọt non, trái làm lá quăn queo, cây chậm lớn, trái dị hình và kèm theo là nấm đốm bồ hóng tấn công làm giảm khả năng quang hợp của cây và trái không đẹp. Khi trồng ở nơi cao ráo thường bị rệp sáp tấn công ở phần gốc và rễ.
Dùng các loại thuốc hóa học sau đây để trị rầy rệp khi điều tra có mật số cao: Bassan 50 EC, Supracide 40 EC, Basudin 50 EC...
1.2.2. Sâu đục thân, đục cành
- Sâu trưởng thành là bọ cánh cứng dài khoảng 2,5 cm, màu đen, có sừng dài, râu đỏ. Trưởng thành đẻ trứng vào những vết thương có sẵn trên cây, hoặc dùng hàm dưới cắn tạo vết thương và đẻ trừng vào đó. Sâu non nở ra đục vào phần dưới vỏ để ăn và phát triển. Thân chính và các cành lớn là đối tượng bị sâu cắn phá.
- Phòng trừ:
+ Cần tránh tạo các vết thương trên cây.
+ Dùng bẫy đèn để diệt sâu trưởng thành.
+ Sử dụng thuốc hóa học khi cần thiết và sử dụng thuốc có tính chọn lọc kết hợp với dầu khoáng, theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
1.2.3. Ruồi đục trái
Ruồi đẻ trứng vào trái già, gây thối nhũn trái. Dùng chất dẫn dụ sinh học để diệt ruồi đực. Bao bọc trái hoặc sử dụng thuốc hóa học khi cần thiết và sử dụng thuốc có tính chọn lọc kết hợp với dầu khoáng, theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Để bảo vệ tốt cây trồng nên áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM + Thiết lập hệ thống canh tác hữu hiệu thường xuyên. Dùng biện pháp sinh học tăng cường thiên dịch, hạn chế dịch hại do sâu bệnh. Sử dụng thuốc hóa học khi cần thiết.
V. Thu hoạch
Xác định đúng thời gian thu hoạch, thu hoạch khi gai mít nở, lá yếm chuyển sang màu vàng.
Thời gian thu hoạch từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều.
Thu hái nhẹ nhàng, tránh không làm gãy gai mít hay sứt cuống.
Sau khi thu hái, đặt mít nằm ngang, cuống quả quay xuống thấp cho mủ chảu ra./.