Green Orange Blue
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

Kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ
Người đăng: Phan Bi .Ngày đăng: 15/08/2014 10:44 .Lượt xem: 6476 lượt.
Giống Thanh long ruột đỏ được ưa chuộng nhất hiện nay là Long Định 1 và H14 là giống được Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam lai tạo giữa giống Thanh long ruột trắng Bình Thuận và Thanh long ruột đỏ Colombia.

Kỹ thuật trồng Thanh long ruột đỏ

I. Nguồn gốc và đặc tính của giống

          - Thanh long ở Việt Nam có ba giống: Dạng quả tròn, quả dài, quả chôm chôm (quả nhỏ). Dạng quả tùy thuộc vào điều kiện sinh thái, nhất là chế độ ánh sáng và chế độ chăm sóc. Thanh long Việt Nam là loại thanh long ruột trắng, giống thuần do nhân vô tính bằng hom. Có hai giống ruột đỏ và ruột vàng, hiện đang trồng và theo dõi, sức sinh trưởng của hai giống mới nhập yếu hơn. Giống ruột đỏ và ruột vàng có quả nhỏ hơn và vỏ dày hơn.

- Riêng về Thanh long ruột đỏ, giống ruột đỏ được ưa chuộng nhất hiện nay là Long Định 1 và H14 là giống được Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam lai tạo giữa giống Thanh long ruột trắng Bình Thuận và Thanh long ruột đỏ Colombia.

- Đặc tính: Cây sinh trưởng và đâm cành mạnh, cành to, khỏe, tương tự giống Thanh long ruột trắng Bình Thuận. Ít chịu ảnh hưởng của quang chu kỳ, cây có khả năng ra hoa hầu như quanh năm, tuy nhiên vào thời gian ngày ngắn(từ tháng 10 - 3 dương lịch) cây ra hoa ít hơn. Trong điều kiện ngày dài cây cho rất nhiều hoa, mỗi năm cho 4-5 đợt hoa chính và xen 4-5 đợt hoa phụ. Cây ở tuổi 3, mỗi đợt cho 30-35 hoa/trụ, hoa nở và tung phấn từ 3-5 giờ sáng, thụ phấn tự nhiên để tạo quả. Quả có khối lượng trung bình 500g, dạng quả giống như Thanh long ruột trắng. Vỏ quả có màu đỏ sáng, tai quả có màu xanh, cứng. Năng suất đạt 15-20 tấn/ha/năm thứ 3, từ năm thứ 4 cho năng suất cao hơn. Thịt quả có màu đỏ tím, tỷ lệ ăn được cao đạt 65-67%, vị ngọt chua nhẹ (độ Brix: 16-17%).

II. Công tác chuẩn bị

1. Chuẩn bị đất:

Cần phơi đất kỹ trong nắng, trừ cỏ dại, làm cỏ không kỹ sau này chi phí trừ cỏ sẽ rất cao, cỏ nguy hiểm trên đất chua phèn là: Cỏ tranh, cỏ ống, cỏ sâu rọm,... Việc làm tối thiểu phải tiêu lỗ, đào hố, xuống trụ, sau khi chôn trụ xong, đào quanh trụ sâu 20cm, đường kính 1,5m, bón lót phân chuồng, Super lân rồi phủ đất mặt lên sau đó mới đặt hom.

2. Mật độ - khoảng cách và bố trí cây trồng: Trồng xen dứa, hoặc các loại rau như ớt, dưa hấu, cà, xen các loại rau như rau muống, cải, ... trong những năm đầu.

Nên trồng Thanh long ở mật độ khoảng 1.111 trụ/ha ứng với khoảng cách khoảng 3m x 3m. Thanh long là cây cần nhiều ánh nắng nên hễ trồng dày thì quả nhỏ, bán không được giá.

3. Chuẩn bị cây trụ

Cây thanh long cần bám vào cây trụ nên việc chọn lựa trụ và chuẩn bị là công việc người lập vườn Thanh long cần quan tâm trước tiên, chi phí về cây trụ chiếm tỉ lệ cao nhất trong số tiền đầu tư ban đầu. Loại gỗ được chọn thường là loại gỗ Tết, chịu được nắng mưa, lâu mục. Loại được dùng nhiều là: Căm xe, Cẩm liên, Cà chắc, Sao đen,….

Cây trụ thường được chọn có đường kính trên 25 cm, dài 2,5 - 2,7m, sau khi chôn còn cao khoảng 2,0m. Hiện nay, xu hướng của nông dân là hạ thấp trụ xuống, nghĩa là sau khi chôn trụ xong còn cao trung bình 1,8m, còn đường kính sử dụng chỉ còn khoảng 15cm. Nguyên nhân làm nông dân hạ thấp trụ và tận dụng cây có đường kính nhỏ là vì các loại gỗ hiếm và đắt, ngoài ra trụ cao khiến việc chăm sóc trở nên khó khăn hơn, tốn nhiều công hơn.

Ngày nay, vật liệu trong xây dựng cũng tương đối dễ mua và rẻ tiền nên tốt nhất đúc trụ xi măng cốt sắt là đảm bảo nhất. Trụ đúc khoản 2,5m để khi chôn còn lại 1,8m bằng tầm tay là vừa. Trên đầu trụ có chừa 2 râu sắt chéo chữ thập để gắng khung gỗ hoặc lốp xe máy cũ lên làm giá đỡ cho cây dễ bám để khi đi tới đầu trụ cành thanh long sẽ rũ đầu xuống nên trông toàn tán cây có dạng một cái dù (nấm).

Trụ thấp có lợi: Giảm được tiền đầu tư ban đầu, cành Thanh long mau lên đến đầu trụ, chăm sóc và thu hoạch dễ hơn. Qua nhiều năm cắt tỉa các cành nhánh chồng chất trên đầu trụ sẽ làm cây cao dần, việc dùng trụ thấp sẽ hãm bớt sự cao dần lên của cây. Nhưng hễ trụ thấp quá thì nhánh thanh long sẽ rũ xuống đất vừa tốn công cắt tỉa vừa ít quả do cành ngắn hơn. Việc trồng cây trụ cần tiến hành sớm, có thể trước thời vụ trồng một tháng. Sau khi lấp đất cây trụ phải thẳng đứng, không lệch ngọn.

4. Chuẩn bị hom giống

Hiện nay, chủ yếu các nhà vườn trồng bằng hom (cắm cành). Hàng năm, việc tỉa cành tạo nên nguồn hom giống dồi dào, nhưng để cành phát triển tốt thì cần chọn những cành có tiêu chuẩn sau:

- Tuổi cành trung bình từ l - 2 năm tuổi trở lên, cành non không tốt.

- Chiều dài hom tốt nhất là từ 40cm

- Hom mập, có màu xanh đậm.

- Hom không có khuyết tật, sạch sâu bệnh.

- Các mắt mang chùm gai phải tốt, mẩy, khả năng nẩy chồi (mụt) tốt.

Sau khi chọn hom xong, hom được dựng nơi thoáng mát, trên nền đất khô ráo, trong vòng 10 - 15 ngày hom bắt đầu nhú rễ thì đem trồng.

- Cách giâm hom: Dùng dao sắc cắt bỏ phần vỏ ở gốc cành khoảng 2-3cm chỉ để lại lõi, sau đó xử lý hom giống bằng dung dịch chống nấm Benlat C hoặc Ridomin và chế phẩm kích thích ra rễ (pha theo nồng độ được hướng dẫn trên bao bì) để ngừa nấm bệnh và thối cành đồng thời kích thích hom ra rễ. Cành được giâm trong cát ẩm, ở nơi thoáng mát, thời gian giâm khoảng 20 – 30 ngày khi có rễ trắng xuất hiện đem trồng. Có thể giâm hom vào bầu để giữ cây trong vườn nhân giống được lâu hơn(khoảng 3 tháng).

5. Chọn thời vụ trồng

Thanh long có thể trồng quanh năm nhưng thường được trồng vào mùa Xuân là hợp lý nhất vì:

- Nguồn hom giống dồi dào do trùng vào lúc tỉa cành.

- Lợi dụng được ẩm độ vào cuối mùa mưa.

- Ở các vùng đất thấp thì mùa này tránh được nguy cơ ngập úng.

Tuy nhiên, trồng mùa này có nhược điểm là cây chưa lớn đủ để có thể chống chịu nắng hạn, vì vậy cần chú ý tưới nước và giữ ẩm cho cây trong mùa nắng tới.

6. Các công tác chuẩn bị  khác như chuẩn bị nhân lực, kinh phí, pháp lý, …

III. Kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh

1. Bón lót và đặt hom

    Trên đất cao, trước khi đặt hom người ta làm âm xuống một khoảng quanh trụ độ sâu 20 - 30cm, rồi bón lót độ 10kg phân chuồng + 0,5kg Super lân.

Trên đất thấp phải lên mô trước khi trồng, xới đất và rải phân quanh mô.

- Đặt từ 3 - 4 hom quanh cây chống (trụ), cần chú ý:

+ Đặt hom cạn để tránh thối gốc do đất ẩm.

+ Đặt áp phần phẳng của hom vào mé trụ để sau này hom ra rễ và bám nhanh vào trụ.

 + Không nên đặt hom phía tây của trụ để tránh nắng nóng lúc còn nhỏ.

Dùng dây mềm buộc hom vào trụ để gió khỏi làm lung lay lúc đầu vì rễ trên không chưa phát triển để bám vào cây trụ. Sau khi đặt hom, ở các vùng đất cao hễ đất khô và hết mưa thì cần tủ gốc để giữ ẩm,…

Dùng rơm, rạ, cỏ khô, xơ dừa, rễ bèo tây,... tủ cách gốc khoảng 5-10cm. Mục đích tránh cỏ dại, giữ ẩm chống thoát hơi nước đồng thời chất tủ sẽ cung cấp cho đất một lượng mùn và dinh dưỡng đáng kể sau khi bị phân hủy.

2. Bón phân thúc hàng năm:

-  Để cây ra hoa tự nhiên: Hiện chưa có thí nghiệm về bón phân cho thanh long trên các loại đất khác nhau. Lượng phân bón thay đổi theo tính chất đất, theo tuổi của cây và theo sản lượng mà cây đã cho.

 Riêng phân chuồng thì chỉ cần bón 1 lần sau tỉa cành và đây là loại phân quan trọng nhất là đối với các loại đất thiếu chất hữu cơ, giữ ẩm kém. Ở năm đầu phân hóa học (chẳng hạn Urea) được hòa loãng vào nước và tưới hoặc phun lên cả thân cành để thúc cành mau leo lên đầu trụ. Các năm sau rải phân quanh gốc rồi tưới nhẹ cho phân hòa tan và ngấm xuống đất.

 Giai đoạn kiến thiết cơ bản: Chỉ kéo dài từ 1 đến 2 năm. Tổng lượng phân bón thúc thường được áp dụng là 30kg Urea + 20kg NPK (16-16-8)/100 trụ/năm. Chia ra: Sau trồng 15 - 20 ngày thúc 1/3 lượng phân; tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau thúc 1/3 lượng phân; tháng 6 - 7 thúc nốt 1/3 lượng phân còn lại, cuối năm sau bắt đầu có trái bói.

Một số nhà vườn đã chia phân bón làm nhiều lần như vậy nâng cao được hiệu suất sử dụng phân của cây.

Ngoài ra cần bổ sung các phân vi lượng bằng cách phun hoặc tưới các chế phẩm như HVP 301, Mymix... như vậy cây con sẽ tăng trưởng thật mạnh ở giai đoạn đầu và sẽ cho quả sớm. Lượng phân thực sự cây sử dụng ở giai đoạn này rất khó tính vì phân bón cho cây trồng xen thanh long cũng đã sử dụng được một phần.

 Giai đoạn kinh doanh: Năm thứ 3 trở đi năng suất đã khá ổn định cần chú trọng tới K, một loại phân cần thiết để làm quả ngon ngọt và chắc hơn. Lượng phân trung bình cho mỗi trụ như sau: Phân chuồng 15 - 50kg; phân lân (Super lân) 0,5kg; Urea  0,5kg; NPK (16-16-8): 1,5kg; KCl: 0,5kg; chia phân ra làm 3 lần:

 + Lần thứ 1: Sau khi tỉa cành (tháng 10 - 11) gồm: Tất cả phân chuồng + tất cả lân + 1/3 Urea. Mục đích là để thúc các đợt lộc cành đầu tiên ra nhanh để nó mau trưởng thành làm cơ sở cho việc ra quả vào mùa tới.

+ Lần thứ 2: Cách lần thứ nhất độ 40 ngày gồm 1/3 Urea + 1/5 NPK + 1/2 KCl để thúc đợt cành thứ 2.

+ Lần thứ 3: Vào tháng 3 gồm 1/3 Urea + 2/5 NPK + 1/2 KCl thúc đợt cành cuối cùng và làm đợt cành thứ 1 phân hóa mầm hoa.

Sau ba lần thúc thì bụi thanh long có 3 - 4 lớp cành và đợt nụ đầu tiên bắt đầu xuất hiện, rồi lớp nụ này kế tiếp lớp nụ hoa, lớp quả này kế tiếp lớp quả kia, người làm vườn quan sát sự ra hoa và năng suất mà bón bổ sung từng đợt NPK cho hết 2/5 còn lại bằng cách chia nhỏ lượng phân này rải làm nhiều đợt trong thời gian cây nuôi quả. Ngoài ra, còn bổ sung các chất vi lượng bằng cách phun Mymix hoặc HVP 301,...

Ngoài ra nếu vườn thanh long sử dụng phương pháp kích thích ra hoa bằng đèn thì lượng phân bón và số lần bón phân phải tăng hơn thông thường do kích thích cây ra hoa và nuôi quả nhiều đợt trong năm và để cây bớt kiệt sức

3. Tưới nước:

Mặc dù thanh long chịu hạn giỏi, nhưng nắng hạn kéo dài sẽ làm cây mất sức và làm giảm năng suất nhiều. Biểu hiện của sự thiếu nước là:

- Cành mới hình thành ít và phát triển rất chậm.

- Cành bị teo lại và chuyển sang màu vàng.

- Tỉ lệ rụng hoa ở các đợt hoa đầu tiên cao >80%.

- Quả nhỏ.

Tùy theo ẩm độ đất... mà nhịp độ tưới thay đổi từ 3 - 7 ngày/lần. Trồng thanh long có xử lý ra hoa bằng đèn đều đã phải chủ động tưới nước vào mùa nắng, thường tưới vào buổi sáng theo nhịp độ nêu trên.

 Trên các chân đất phèn do đất thấp, thủy cấp gần mặt đất nên việc tưới nước ít được chú ý hơn. Cũng cần lưu ý là các cây thuộc họ xương rồng chịu được nắng hạn giỏi nhưng lại khá mẫn cảm với độ mặn, nên các vùng mùa nắng bị nhiễm mặn cần chú ý điều này.

4. Tỉa cành

Năm thứ 2 tỉa nhẹ khi cần để tạo tán hình cây dù. Tới cuối năm thứ 3 mỗi trụ có độ 100 cành, với lượng cành này phân bố trên đầu trụ dày đặc. Một số cành già đã cho trái trong những năm trước nếu giữ lại sẽ không cho trái hoặc cho trái nhỏ. Sự tỉa cành làm thông thoáng tán cây và giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi cành mới. Sau tỉa, cành non đâm ra mạnh hơn. Có ba loại cắt tỉa:

- Tỉa đầu: Thực hiện sau thu hoạch hoặc trước đợt thu quả cuối cùng. Cắt cùng một lúc tất cả các cành già, các cành ốm yếu, khuyết tật, nằm khuất bên trong tán. Số cành giữ lại trên đầu trụ độ 50 cành. Dùng liềm hoặc dao chặt 3/4 chiều dài của toàn bộ các cành già phía dưới, các tược non sẽ nảy ra từ phần gốc cành được giữ lại.

Ưu điểm: Dễ làm, đỡ tốn công.

Khuyết điểm: Qua nhiều năm các lớp cành chồng chất lên nhau nên bụi thanh long bị đôn lên cao.

- Tỉa lựa: Lựa các cành cần tỉa rồi dùng liềm cán dài giựt đứt khỏi cây.

Ưu điểm: Tạo được sự thông thoáng, qua nhiều năm trụ không đôn lên cao. Giữ được sự cân đối giữa các cành của tán cây.

Khuyết điểm: Tốn công.

- Tỉa sửa cành: Để kiểm soát số cành con trên cành mẹ (cành sừng trâu). Yêu cầu:

+ Chỉ giữ lại 1 - 3 cành con/cành mẹ.

+ Các cành con trên cành mẹ xa nhau, phân bố đều để tránh tán lệch.

+ Giữ lại các cành mập, khỏe.

+ Tỉa bỏ những cành mọc lòa xòa ra lối đi.

Do nhu cầu tạo quả trái vụ, một số cành già trước đây thường bị tỉa đi, nay được giữ lại để tạo cảm ứng ra hoa bằng thắp đèn.

5. Làm cỏ: Trước mỗi đợt bón phân trên đất ẩm thường xuyên, có rất nhiều loại cỏ có rất khó trị như cỏ tranh, cỏ ống, cỏ Paspalum,... vì vậy muốn bớt cỏ cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp như cày bừa kỹ vào mùa nắng trước khi trồng, xen canh, dùng thuốc trừ cỏ kết hợp với làm cỏ thủ công sớm,...

Cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng với cây và là nơi trú ẩn của sâu bệnh. Cần làm đất kỹ trước khi trồng. Trong thời gian đầu có thể tận dụng đất bằng cách trồng xen các loại cây màu như: Lạc, đậu, đỗ… vừa tăng thu nhập vừa hạn chế cỏ dại. Ngoài ra trước mỗi đợt bón phân cần làm sạch cỏ xung quanh gốc. Có thể kết hợp làm cỏ thủ công với việc sử dụng các loại thuốc trừ cỏ được phép sử dụng.

6. Tủ gốc: Vừa trừ cỏ vừa giữ ẩm, nhất là ở các vùng có mùa khô kéo dài và thiếu nước tưới. Dùng rơm, cỏ khô, xơ dừa,... để tủ. Có thể tủ quanh gốc hay tủ toàn bộ liếp. Ở những vùng có cỏ nhiều, giá nhân công đắt nên áp dụng phủ bạt như trồng dưa hấu đã làm.

7. Xử lý ra hoa: Đã có một số thí nghiệm cảm ứng Thanh long ra hoa bằng hóa chất (KNO3 và một số chất khác) bước đầu đã có kết quả. Hoa ra sớm hơn so với các liếp trồng Thanh long khác trong vùng từ 1 - 1,5 tháng. Tuy nhiên, chưa đạt được cảm ứng ra hoa đồng loạt và mạnh như ở cây xoài, số hoa ra còn ít và rải rác. Thanh long có quả sớm giá bán cao gấp 5 - 8 lần so với giá lúc rộ. Trong vài năm gần đây, nhiều người trồng thanh long đã thắp đèn để thúc thanh long ra hoa trái vụ. Sự thắp đèn dựa trên cơ sở Thanh long là cây ngày dài, dùng ánh sáng đèn để cắt đêm dài. Đã có một số điều tra và thí nghiệm về vấn đề này kết quả như sau:

- Nguồn điện thắp sáng: Có thể sử dụng lưới điện quốc gia, hoặc máy phát điện riêng. Dùng điện thuộc lưới điện quốc gia có một số bấp bênh như điện áp không ổn định, đôi lúc bị cúp điện làm hỏng kế hoạch, vì muốn cắt đêm dài cần phải thắp sáng liên tục một số giờ nhất định.

 - Loại bóng đèn và công suất: Dùng bóng đèn tròn, từ 75 - 100W, hiện nay đa số các vườn dùng bóng 75W. Dùng đèn ống hiệu quả kém hơn vì cây hấp thu ánh sáng đỏ (red light) và đỏ xa (far red light). Dùng bóng 60W không đủ độ sáng, số quả ra ít. Dùng bóng 200W số quả không tăng hơn bao nhiêu mà lại tốn điện.

Cách treo bóng: Bóng được treo giữa 2 trụ làm thành hàng, cách mặt đất từ 0,7 m tới 1,2 m. Nên câu điện để có thể thắp sáng luân phiên cho các phía của cây được hưởng ánh sáng đồng đều. Cũng có một số vườn câu một bóng điện ở giữa mỗi 4 trụ.

 - Thời gian thắp sáng: Thời gian thắp đèn tốt nhất 4 giờ liên tục 10 - 15 đêm mới gây được cảm ứng ra hoa. Vào tháng hai, một số vườn chỉ thắp có 7 giờ/đêm và kéo dài chỉ từ 10 tới 12 đêm. Nhưng nếu xử lý đèn liên tục, mỗi tháng xử lý một lần thì năng suất sẽ thấp và bất ổn, 5 lần xử lý liên tục trong các tháng từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 1 sẽ thu được tổng số 56 quả/trụ hay 26,3 kg/trụ/5 lần xử lý, bình quân chỉ đạt được 5,3 kg/trụ. Như vậy cần chú trọng nghiên cứu sự bón phân, nhịp độ xử lý để có hiệu quả kinh tế cao, tránh lãng phí điện.

 Sau 4 - 7 ngày sau ngưng thắp đèn, nụ hoa sẽ xuất hiện. Cần khoảng 20 - 21 ngày cho hoa phát triển, 3 ngày để nở và thụ quả trong vườn, sau đó cần từ 25 đến 28 ngày để quả phát triển. Như vậy từ khi ra nụ tới khi thu hoạch mất độ 50 - 52 ngày. Khoảng thời gian này dài ngắn chút ít tùy vào điều kiện khí hậu nơi trồng. Đối với một số loài cây thuộc họ xương rồng, có loài phải mất tới 150 ngày để quả phát triển. Như vậy thời gian nuôi quả của Thanh long ở nước ta khá ngắn.

8. Phòng trừ sâu bệnh: Nhìn chung thanh long tương đối ít bị sâu bệnh phá hoại như nhiều cây ăn quả khác.

a. Côn trùng:

- Kiến: Đục khoét hom, cành non, tai lá trên trái, tổn thương vỏ

- Bọ xít: Chích hút nhựa, để lại những chấm đen trên quả-mất giá trị thương phẩm

- Ruồi vàng: Chích và đẻ trứng vào quả gây thoái hóa phần thịt

* Biện pháp phòng trừ:

- Rải Basudin 10H, Padan 4G phòng trị kiến

- Phun Trebon, Applaud, Bassa... nồng độ 0,2% phòng trị bọ xít

- Cần vệ sinh vườn, nhặt hủy những quả rụng, rãi thuốc diệt nhộng dưới đất, đặt bả và phun thuốc có chất dẫn dụ để diệt ruồi…

b. Bệnh:

- Thối đầu cành

- Đốm nâu trên cành

- Nám cành

* Biện pháp phòng trị chủ yếu là vệ sinh vườn, chống úng, chống hạn. Khi tới mức độ phải phun thì nên dùng Rovral hoặc Anvil 5SC theo khuyến cáo trên nhãn mác

9. Thu hoạch: Sau khi trái chuyển màu từ xanh qua đỏ được độ 3 ngày thì dùng liềm hay dao cắt, lựa quả đúng tiêu chuẩn cắt rồi xếp vào một cái gùi, xếp theo từng lớp có lót giấy, rơm hoặc lá chuối, sau đó vận chuyển đến nơi thu mua.

Tiêu chuẩn trái xuất khẩu: Trái có trọng lượng lớn, chuyển màu đỏ được 2 - 3 ngày, ngoại hình đẹp, vỏ không bị trầy sướt, các tai lá trên quả còn xanh tươi, không có vết chích của côn trùng, không có vết bệnh và không có bất cứ tồn dư thuốc hóa học nào trên ngưỡng cho phép để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

 Tiêu chuẩn trái tiêu thụ trong nước: Thường được thu hái trễ hơn nên quả nặng, to hơn, và ngọt hơn thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước. Việc thu hoạch tiến hành giống như khi thu xuất khẩu nhưng không cần xử lý, đóng thùng mà mang đến nơi tiêu thụ.

Sau một năm trồng thì thanh long bắt đầu cho trái bói, các năm thứ 3, 4, 5 là những năm có năng suất cao. Từ năm thứ 6 trở đi năng suất bắt đầu giảm từ từ. Một cách tổng quát trong điều kiện thanh long ra hoa tự nhiên, năm thứ l năng suất độ 3kg quả/trụ, năm thứ 2: 10 - 15kg/trụ, năm thứ 3: 30kg/trụ, năm thứ tư 40 - 45kg/trụ, sau đó giảm từ từ tới năm thứ 12 còn độ 20 - 25kg/trụ. Việc chăm bón tốt, thời tiết thuận lợi sẽ làm năng suất cao và ổn định nhiều năm.

(Bài viết có tham khảo tài liệu trên mạng internet và trên cơ sở thực tế các mô hình trồng Thanh long ruột đỏ đã triển khai tại xã Tam Xuân 1 và Tam Xuân 2, huyện Núi Thành)

                                                                            

Phan Bi, trạm Khuyến nông Núi Thành

Nguồn tin: Khuyến nông Núi Thành
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Rau VietGAP bí đầu ra
Kỹ thuật trồng nấm sò bằng nguyên liệu rơm
QUY TRÌNH NHÂN GIỐNG LẠC VỤ THU ĐÔNG
GIỐNG LẠC LDH.01
Nuôi kiến bảo vệ cây trồng
Trị sâu bệnh bằng cách… nuôi kiến
Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với rau, quả, chè búp tươi đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, sơ chế
Kỹ thuật canh tác lúa trên ruộng bị nhiễm phèn tại Bình Định
Cây ưa mặn có thể là chìa khóa cho nỗ lực toàn cầu trong sản xuất lương thực bền vững
Hướng dẫn sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2014 - 2015
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
KỸ THUẬT TRỒNG HOA THIÊN LÝ
KỸ THUẬT SỬ DỤNG CHẾ PHẨM VI SINH ĐỂ SẢN XUẤT PHÂN HỮU CƠ TẠI CHỖ
PHÒNG TRỪ SÂU ĐỤC THÂN HẠI NGÔ
Thời tiết ảnh hưởng việc bón phân ra sao?
Một số biện pháp phòng trừ dịch hại cho cây hồ tiêu đầu mùa mưa
kỹ thuật trồng xen canh cây bắp lai xen với cây lạc trên đất lúa chuyển đổi
Trồng đậu phụng trên đất lúa lãi ròng gần 21 triệu đồng/ha
Bón phân dúi sâu cho lúa: Đôi điều suy ngẫm







Liên kết Web

THÔNG TIN NGƯỜI PHÁT NGÔN

Họ và tên: Lương Thị Thủy

Chức vụ: Giám đốc

Số điện thoại: 0988.336.228

Email: thuylt3@quangnam.gov.vn

Chuyên đề khuyến nông


    Lượt truy cập

    Tổng số lượt truy cập

    00007215001

    Lượt trong ngày 690
    Hôm qua: 4120
    Năm trước: 1432689
    Số người đang Online: 36
    Tổng số 7215001