Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, trồng ngô sinh khối có nhiều ưu điểm hơn so với trồng ngô lấy hạt thông thường bởi thời gian từ trồng đến thu hoạch chỉ khoảng 75-90 ngày, năng suất của ngô sinh khối đạt trung bình từ 45- 60 tấn/ha. Thời gian trồng ngắn hơn ngô lấy hạt thông thường từ 25 - 35 ngày, góp phần tăng vụ nên có thể trồng 3 - 4 vụ/năm, trong khi trồng ngô lấy hạt tối đa chỉ trồng được 2 - 3 vụ/năm. Chất lượng cây ngô xanh khi thu hoạch vào giai đoạn chín sáp có dưỡng chất đầy đủ và cao nhất nên khi trâu, bò thịt hoặc bò sữa ăn thức ăn từ cây trồng này sẽ cho chất lượng thịt sữa tốt.
Cây ngô sinh khối được xem là loại thức ăn giàu dinh dưỡng chỉ đứng sau nhóm cỏ Slyto, Centro, Alfalfa, đậu tương, các thành phần dinh dưỡng có trong cây ngô gồm chất xơ không tan trong môi trường trung tính, môi trường axit, hàm lượng chất xơ thấp (ít tiêu hao năng lượng dễ tiêu hóa), hàm lượng protein cao,… và được ví như là “Một mũi tên bắn trúng nhiều đích”.
1. Thời vụ trồng: Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và hệ thống luân canh cây trồng từng địa phương để lựa chọn khung thời vụ thích hợp nhất. Ở một số vùng có điều kiện thuận lợi (đất bằng, chủ động tưới,..) thì thu hoạch xong vụ này là có thể trồng vụ khác.
2. Giống: Sử dụng giống ngô có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh, năng suất sinh khối cao, có khả năng trồng được mật độ cao, chịu hạn như: VN172, ĐH 17-5, LCH9, LVN146, PSC747, VN5885, NK7328,...
3. Kỹ thuật làm đất và gieo trồng:
Cây ngô sinh khối là loại cây dễ trồng và có khả năng thích nghi với mọi loại đất khác nhau. Tuy nhiên đất trồng ngô cần phải là đất tơi xốp, dễ thoát nước. Bà con cần làm đất kỹ, cày bừa và phơi ải cho đất. Làm đất cày, bừa nên sâu 20-25 cm và phay nhỏ đất để tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển, giúp cây ngô giảm khả năng chống đổ.
Ngô là cây trồng không chịu được khả năng ngập úng, nên cần lưu ý làm rãnh thoát nước tốt và lên luống cao vào mùa mưa.
Trước khi gieo hạt bà con cần xử lý hạt giống ngô trước, ngâm hạt giống ngô trong nước lạnh 2-3 giờ. Vớt ra để ráo nước sau đó ủ hạt giống vào khăn ấm 20-24 giờ để cho tỷ lệ nảy mầm cao và đem ra gieo trồng như các loại giống ngô thường khác.
4. Mật độ gieo trồng.
- Giống: 27 – 30 kg/ha
- Mật độ: 7,7 – 8,3 vạn cây/ha
- Khoảng cách gieo: 60 - 65 cm x 20 cm/cây
Mô hình trồng ngô sinh khối (Ảnh: nguồn Internet)
5. Phân bón
Để cây ngô đạt năng suất cao thì cần phải cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cây. Bón phân cho cây ngô cần phải dựa vào mùa vụ trồng ngô, đất trồng, khả năng phát triển của bộ rễ, thân lá,…
Nên bón phân bón lót vào rãnh và lấp qua lớp đất mỏng lên trên phân, (sử dụng các công thức phân bón có hàm lượng Kali thấp, N và P cao hơn) luống ngô gieo phải đảm bảo được đủ độ ẩm khi gieo. Gieo thẳng hàng đảm bảo hạt giống không được chạm xuống phân tránh hạt bị sót không nảy mầm được.
Công thức sử dụng phân bón cho cây ngô sinh khối
Phân bón
|
Sào Trung Bộ (500m2/kg)
|
1ha
|
Phân chuồng
|
250-500
|
5000-10000
|
NPK 16-16-8
|
10-12
|
200-240
|
Đạm Ure
|
15-20
|
300-400
|
Kali
|
6-8
|
120-160
|
Bón thúc chia làm 3 đợt:
Đợt 1: Lúc cây mọc được 3 – 5 lá thật, bón 1/3 lượng urê và 1/3 lượng kali, bón cách gốc 5 – 10cm, kết hợp vun nhẹ.
Đợt 2: Lúc cây mọc được 7 – 9 lá thật, bón 1/3 lượng urê và 1/3 lượng kali, bón cách gốc 10cm, kết hợp vun cao gốc, chống đổ ngã.
Đợt 3: Lúc cây mọc được 11 – 13 lá thật, bón 1/3 lượng urê và 1/3 lượng kali còn lại, bón cách gốc 5 – 10cm, kết hợp vun nhẹ nếu thấy cần thiết.
6. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh
Trong quá trồng cây ngô sinh khối cần lưu ý một số điểm sau:
- Chăm sóc sớm để tạo lực cho cây; Phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh sớm, đặc biệt là sâu đục thân, bệnh khô vằn và đốm lá;
- Tưới nước đảm bảo đủ ẩm; đối với vùng trung du, miền núi, cần bố trí thời vụ đảm bảo không xảy ra hạn, đặc biệt ở các giai đoạn trước, trong và sau khi trổ cờ, tung phấn, phun râu.