Mục tiêu của hội thảo là tổng kết, đánh giá mô hình tại 2 huyện, đồng thời chia sẻ, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi heo đen bản địa theo hướng canh tác tự nhiên sử dụng vi sinh vật bản địa (IMO) cho nông dân.

Hình: Quang cảnh hội thảo tại huyện Phước Sơn
Tham dự hội thảo có Đại diện Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, Chi cục chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung Việt Nam, Tổ chức Tầm nhìn thế giới khu vực miền Trung, phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp 2 huyện Phước Sơn và Nam Giang, Đại diện Lãnh đạo UBND xã Phước Mỹ - huyện Phước Sơn, xã Tabhing – huyện Nam Giang các ban ngành đoàn thể và các hộ trong và ngoài mô hình trên địa bàn 2 huyện.

Hình: Quang cảnh hội thảo tại huyện Nam Giang
Tại huyện Nam Giang: Mô hình có sự hỗ trợ của dự án BMZ, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung Việt Nam là cơ quan trực tiếp thực hiện. Nhóm hộ chăn nuôi heo đen đã hình thành được hợp tác xã dịch vụ thương mại Cà Dy với sản phẩm thịt heo đen xông khói đạt chứng nhận tiêu chuẩn HACCP/TCVN 5603:2008, sản phẩm đã được bán trên các sàn thương mại điện tử như: https://heodennamgiang.com; https://www.sendo.vn/shop/htx-dich-vu-thuong-mai-ca-dy; https://www.lazada.vn/ca-dy-cooperative-group/; www.facebook.com/heodennamgiang.
Hình: Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung Việt Nam, Đại diện Tổ chức tầm nhìn Thế giới khu vực miền Trung trao đổi tại gian hàng trưng bày sản phẩm thịt heo đen xông khói của hợp tác xã dịch vụ thương mại Cà Dy
Phát biểu tại hội thảo đa số ý kiến của các hộ tham gia đều cho thấy việc áp dụng các chế phẩm vi sinh vật bản địa rất dễ thực hiện với nguyên liệu đơn giản, rẻ tiền, song hiệu quả mang lại rõ rệt trong chăn nuôi heo đen. Theo hộ anh Riah Bình – xã Tabhing, huyện Nam Giang: “Chăn nuôi heo đen theo phương pháp truyền thống heo rất chậm lớn, nếu áp dụng kỹ thuật sử dụng các chế phẩm vi sinh heo nhanh lớn hơn và ít bệnh tật hơn, bán được giá nên gia đình có kinh tế hơn. Khi bắt đầu thực hiện mô hình, gia đình tôi nuôi 2 con heo đen có trọng lượng trung bình 7 kg/con, sau 4 tháng áp dụng các chế phẩm vi sinh bản địa (IMO1, IMO3), đạm cá (FAA),... heo đạt trọng lượng trung bình 30 kg/con, giá bán 150.000 đồng/kg. So với chăn nuôi truyền thống mà trước đó gia đình tôi áp dụng thì trọng lượng tăng được 6 – 7 kg/con cho cả chu kỳ nuôi”.
Hình: Các hộ thực hành làm Nitrate thảo mộc
Đồng thời qua mô hình, dưới sự hướng dẫn của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện, cộng tác viên mô hình, các hộ đã nắm bắt
được kỹ thuật làm vacxin cho heo, kỹ thuật bẫy men bản địa, pha chế IMO3, OHN, FAA, FFJ, FPJ ..., phối trộn thức ăn cho heo đen bằng
các nguyên liệu tại địa phương giúp nâng cao chất lượng thịt heo và giảm chi phí chăn nuôi.

Hình: Các hộ thực hành làm IMO
Bên cạnh những hiệu quả mang lại, trong quá trình theo dõi mô hình chúng tôi cũng nhận thấy một số khó khăn đó là người chăn nuôi phải bỏ ra nhiều thời gian để thực hiện các công đoạn từ bẫy men đến pha chế các chế phẩm, đòi hỏi người chăn nuôi phải kiên nhẫn, đầu tư thời gian. Trong khi thực tế sản xuất người chăn nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp nhanh gọn, nên để áp dụng mô hình này cần nhiều thời gian. Ngoài ra, một số hộ ngại khó, không kiên nhẫn trong việc thu gom nguồn nguyên liệu để ủ các chế phẩm, chẳng hạn như đầu cá, ruột cá… mặc dù chế phẩm FAA sử dụng rất hiệu quả trong chăn nuôi và heo rất thích ăn.
Hình: Các hộ thực hành làm đạm cá (FAA)
Thị trường đầu ra khó khăn, giá bán của heo đen được nuôi theo phương thức này trên thị trường chưa cao, chưa thu hút được người chăn nuôi, cần có thời gian, hình thức quảng bá, tạo thương hiệu trên thị trường để tạo ra phân khúc thị trường riêng, nâng tầm giá trị sản phẩm.
Hình: Chăn nuôi heo đen trên nền đệm lót sinh học
Thông qua hội thảo, các hộ ngoài mô hình đề nghị hàng năm, bằng nhiều kênh khác nhau nên tổ chức tập huấn và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi heo đen theo hướng canh tác tự nhiên. Có chính sách, cơ chế hỗ trợ để nhân rộng mô hình này ở các địa phương có điều kiện phát triển chăn nuôi heo đen đồng thời có cơ chế hỗ trợ để người chăn nuôi kết nối được với thị trường tiêu thụ sản phẩm./.