Ngày 25/10/2022, Sở Nông nghiệp & PTNT Quảng Nam phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Huế tổ chức Hội nghị tham vấn và khảo sát tình hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Vũ – Phó giám đốc Sở đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các phòng, các đơn vị trực thuộc Sở và đại diện lãnh đạo Phòng NN&PTNT/Kinh tế các huyện, thành: Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Hội An, Tiên Phước, Nông Sơn, Hiệp Đức.

Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị nhiều đại biểu cho rằng, phát triển nông nghiệp hữu cơ là hường đi bền vững cho nền nông nghiệp. Hiện tại Quảng Nam chủ yếu là sản xuất theo hướng hữu cơ, diện tích rau quả được chứng nhận hữu cơ còn rất khiêm tốn. Việc sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn được chứng nhận góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu. Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hữu cơ từ 15-20% giá trị trên một đơn vị diện tích trở lên so với sản xuất theo phương thức truyền thống. Để thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp hữu cơ, cần sự hỗ trợ để thu hút nhiều người tham gia, đồng thời công tác truyền thông về lĩnh vực này phải đủ mạnh để tạo niềm tin giữa người sản xuất và tiêu dùng.
Theo ông Lê Đình Tường – Phó trưởng phòng kinh tế thành phố Hội An, hiện tại thành phố có 3,15 ha rau đã được chứng nhận hữu cơ, với 20 sản phẩm rau các loại. Để chuyển đổi sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ thường mất 2 đến 3 năm, thời gian này thành phố đã trích kinh phí để hỗ trợ cho các hộ dân tham gia mô hình.
Các đại biểu cho rằng, để phát triển Nông nghiệp hữu cơ vừa đảm bảo tính bền vững, đồng thời đảm bảo năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của Nông nghiệp hữu cơ tới các nhà quản lý, người sản xuất, các doanh nghiệp và người tiêu dùng thấy rằng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là duy trì sự phát triển bền vững, tăng cường “sức khỏe” cho đất đai, cho vật nuôi, cây trồng và con người, giúp cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ cộng đồng. Ngoài ra, sản xuất Nông nghiệp hữu cơ còn tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng, đảm bảo sức khỏe và chất lượng giống nòi.
- Hai là, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho sản xuất Nông nghiệp hữu cơ như quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, ưu đãi cho thuê đất, hỗ trợ chứng nhận sản xuất hữu cơ, hỗ trợ 3 năm đầu chuyển từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ...
- Ba là, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến, giám sát và chứng nhận sản phẩm Nông nghiệp hữu cơ. Triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ tốt cho nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản thế mạnh của địa phương./.