Giai đoạn cây bắt đầu đơm hoa kết trái được cho là giai đoạn kinh doanh. Ở giai đoạn này cần tưới nước cách ngày cho cây nhất là lúc sau khi cây trổ hoa, đậu trái giúp hoa phát triển tốt, đậu trái nhiều và trái nhanh phát triển, vì thế ngoài khâu giữ ẩm, tưới nước, diệt cỏ, tỉa cành tạo tán…thì bón phân là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến phẩm chất trái, bón phân cần phải đúng loại phân, đúng lúc và đúng liều lượng...
Hình 1: Anh Tống Phước Thuần Chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước
kiểm tra vườn cây măng cụt trong thời kỳ kinh doanh
I. Giai đoạn cây cho quả ổn định (giai đoạn kinh doanh)
a. Xác định thời điểm bón phân
Căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng của giai đoạn kinh doanh để xác định thời điểm bón phân cho phù hợp:
- Lần 1: Ngay sau khi thu hoạch xong bón phân giúp cây nhanh hồi phục.
- Lần 2: Trước khi ra hoa 30 - 40 ngày bón phân giúp cây ra hoa tốt.
- Lần 3: Bón lúc cây đậu quả xong (đường kính quả 1- 2 cm) giúp quả phát triển nhanh.
Ngoài ra, còn có thể sử dụng phân bón lá có hàm lượng kali cao để góp phần nâng cao năng suất phẩm chất quả. Có thể phun phân bón lá làm 5 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần, bắt đầu từ tuần thứ 7 sau khi đậu quả.
b. Loại phân, lần bón và liều lượng
Phân bón có nhiều loại, nhưng có 3 loại chính là đạm (N), lân (P), kali (K). Mỗi loại có chức năng riêng. Bón phân không đúng yêu cầu, không phát huy được hiệu quả còn gây hại cho cây. Cây măng cụt yêu cầu phân gì thì bón phân đó.
Bón đúng không những đáp ứng được yêu cầu của cây mà còn giữ được ổn định môi trường của đất. Ở đất chua tuyệt đối không bón những loại phân có tính axit cao quá ngưỡng và trên nền đất kiềm không bón các loại phân có tính kiềm cao quá ngưỡng.
*/ Đối với vườn cây măng cụt trong thời kỳ kinh doanh, cây đang sinh trưởng, phát triển tốt, phân bón được áp dụng cho mỗi cây như sau:
- Phân hữu cơ 20 - 30 kg, bón 1 lần ngay sau thu hoạch dứt điểm (lần 1).
- Phân vô cơ 3 - 4 kg, được chia làm 3 lần bón.
- Lần 1: Ngay sau khi thu hoạch xong bón phân NPK (20:20:10) kết hợp với 20 - 30 kg phân chuồng hoai cho mỗi cây.
- Lần 2: Trước khi ra hoa 30 - 40 ngày bón phân vô cơ có hàm lượng lân cao, phân NPK: (8: 24: 24).
Lưu ý: Trong giai đoạn này tránh bón nhiều phân đạm vì sẽ kích thích ra lá mới làm chậm quá trình ra hoa.
- Lần 3: Bón lúc cây đậu quả xong (đường kính quả 1 - 2 cm) phân NPK: (13: 13: 21) hoặc AT3. Liều lượng như sau:
+ Cây măng cụt có từ 10 - 15 năm tuổi có thể bón 0,5 - 1kg phân vô cơ/lần/cây.
+ Cây măng cụt lớn hơn 15 - 20 tuổi có thể bón 1 - 2kg phân vô cơ/lần/cây.
+ Cây măng cụt có tuổi lớn hơn 20 - 30 năm có thể bón 2 - 3 kg phân vô cơ/lần/cây.
+ Cây măng cụt có tuổi lớn hơn 30 trở lên có thể bón từ 3 - 4 kg phân vô cơ/lần/cây.
Ngoài ra, còn có thể sử dụng phân bón lá có tỷ lệ NPK: (20:20:20) như phân bón lá Grow more có hàm lượng dinh dưỡng như sau: N: 20%; P2O5: 20%; K2O: 20%; Cu: 0,05; Mn: 0,0005%; Fe: 0,05; Zn: 0,05. Phun làm 5 lần mỗi lần cách nhau 1 tuần, bắt đầu từ tuần thứ 7 sau khi đậu quả.
c. Kỹ thuật bón phân
*/ Bón gốc:
- Phân hữu cơ: Tốt nhất Bà con nên đào rãnh chung xung gốc ở 2/3 tán, sâu 15-20cm rộng từ 20-30cm, trộn đều phân hữu cơ hoặc phân chuồng và vôi với đất cho vào rãnh rồi lấp đất lại.
- Phân vô cơ: Xới xung quanh cách gốc khoảng 40-50cm đến 2/3 tán cây, rải đều phân và phủ một lớp đất mỏng lên trên.
- Phun trên lá: Phun theo hướng dẫn trên bao bì theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây.
Hình 2: Vườn cây măng cụt đang trong thời kỳ kinh doanh (đã cho quả)
d. Tưới nước sau mỗi lần bón phân
Sau khi bón phân nhất thiết phải tưới nước đủ ẩm để phân hòa tan cho cây trồng dễ hấp thu nhưng không được tưới quá nhiều sẽ trôi mất phân. Cũng có thể kết hợp với các biện pháp tủ đất vừa giúp giữ ẩm vừa giảm lượng phân bay hơi.
*/ Ghi chú:
- Khi bón phân kết hợp tưới nước vừa đủ ẩm: Bón phân xong cần tưới nước ngay và tủ gốc lại giữ ẩm giúp phân tan và giữ trong đất để cây hút từ từ.
- Vào tháng 7 và 8 không nên bón phân vì thời tiết nóng, đất khô, thiếu nước nên hiệu quả phân bón thấp.
- Đối với vùng đất có pH thấp nên dùng DAP bón thay NPK loại 16:16:8.
- Làm sạch cỏ xung quanh gốc măng cụt; loại bỏ những cây mọc gần cạnh tranh dinh dưỡng với cây măng cụt.
- Hạn chế sự mất mát phân do bốc hơi, do nước chảy tràn bằng cách đắp mô, tủ gốc bằng lớp lá cây cỏ khô xung quanh gốc. Tránh bón phân lúc mưa to và lúc không có nước tưới. Làm mô chỉ nên xới xáo vùng từ 2/3 tán lá ra phía ngoài, chỉ nên xới xáo nhẹ vùng bên trong tán lá vì xới xáo mạnh sẽ làm tổn thương rễ măng cụt.
- Không sử dụng đơn độc phân vô cơ mà cần bón phân hữu cơ hàng năm./.