Green Orange Blue
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC Ở TRÂU, BÒ
Người đăng: Phan Trần Như Nhiệm .Ngày đăng: 21/03/2023 08:36 .Lượt xem: 160 lượt.
Hiện nay trên địa bàn các tỉnh lân cận tỉnh ta đã xuất hiện trở lai bệnh Viêm gia nổi cục ở trâu, bò. Để hạn chế việc lây truyền gây thiệt hại nặng cho chăn nuôi trâu, bò chúng tôi xin giới thiệu một số biện pháp phòng, chống, cách nhận biết đặt điểm bệnh và sử dụng vác xin phòng bệnh hiệu quả.

Bệnh Viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD) là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò (bệnh này còn được gọi là bệnh Da sần trên trâu, bò). Vi rút này không lây nhiễm và gây bệnh trên người. Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng ăn, uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất, gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng; trâu, bò có thể chết, gây tổn thất về kinh tế.




Mô hình chăn nuôi bò lai BBB thâm canh tại xã Điện Phước - TX Điện Bàn


1. Đặc điểm của vi rút gây bệnh Viêm da nổi cục

          - Vi rút gây bệnh Viêm da nổi cục thuộc họ Poxviridae, chi Capripoxvirus, cùng chi với vi rút gây bệnh Đậu trên dê, cừu.

          - Vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 650C trong 30 phút, 550C trong 2 giờ,. Vi rút có thể được hồi phục từ những nốt sần trên da được giữ ở nhiệt độ -800C trong 10 năm và dịch nuôi cấy mô nhiễm vi rút được bảo quản ở nhiệt độ 40C trong 6 tháng.

          - Vi rút nhạy cảm với môi trường pH kiềm hoặc axít; có thể tồn tại ở môi trường pH = 6,6 - 8,6 trong 5 ngày ở nhiệt độ 370C.

          - Hóa chất sử dụng để diệt vi rút Viêm da nổi cục bao gồm ether (20%), chloroform, formalin (1%), phenol (2% trong 15 phút), sodium hypochlorite (2 - 3%), hợp chất iodine (pha loãng 1:33), Virkon (2%), hợp chất amoni bậc bốn (0,5%) và một số chất tẩy rửa như sodium dodecyl sulphate.

          - Vi rút Viêm da nổi cục rất ổn định, tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đặc biệt là ở dạng vảy khô; tồn tại trong các nốt da hoại tử trên 33 ngày, trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và ít nhất 18 ngày trong da phơi khô. Vi rút nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và chất tẩy rửa có chứa dung môi lipid, nhưng trong điều kiện môi trường tối và ẩm ướt (Ví dụ như chuồng trại bị ô nhiễm, vi rút có thể tồn tại trong nhiều tháng).

2. Đặc điểm dịch tễ của bệnh Viêm da nổi cục

          - Động vật mẫn cảm với vi rút Viêm da nổi cục là trâu, bò. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10-20%, tỷ lệ chết khoảng 1-5%. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày.

          - Côn trùng chân đốt được xem là véc tơ truyền bệnh mặc dù đến nay chưa xác định được véc tơ truyền bệnh cụ thể, muỗi, ruồi cắn và ve đực có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm lây truyền vi rút. Vai trò của các véc tơ truyền bệnh là khác nhau giữa các khu vực địa lý khác nhau, phụ thuộc vào nguồn và đặc điểm của mỗi loại véc tơ.

          - Các nốt sần và vảy da chứa một lượng vi rút Viêm da nổi cục tương đối cao. Vi rút có thể được phân lập từ những bệnh phẩm này trong 35 ngày và có thể lâu hơn. Vi rút có thể được phân lập từ máu, nước bọt, dịch tiết ở mắt và mũi và tinh dịch. Vi rút được tìm thấy trong máu trong khoảng từ 7 - 21 ngày sau khi nhiễm bệnh, với mức độ thấp hơn so với trong các nốt sần ở da tại cùng thời điểm lấy mẫu. Sự bài thải của vi rút trong tinh dịch có thể kéo dài tới 42 ngày. Cũng có bằng chứng về sự lây truyền vi rút qua nhau thai. Trong một số trường hợp, động vật mang mầm bệnh không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, nhưng mang vi rút trong máu và có thể truyền bệnh cho động vật khỏe thông qua côn trùng hút máu.

3. Triệu chứng, bệnh tích của bệnh Viêm da nổi cục

          - Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu sau đây: Sốt cao, có thể trên 41°C, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu; giảm năng suất sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt; hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng; để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi. Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như bao da, ức, bìu và âm hộ, có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển. Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời. Bò mang thai có thể sảy thai và động dục trong vài tháng.


Da trâu, bò bị nổi cục và có vẩy, vết loét sẹo là triệu chứng điển hình của bệnh 

4. Chẩn đoán bệnh Viêm da nổi cục

          - Chẩn đoán sơ bộ tại thực địa dựa trên những biểu hiện như sốt và các nốt sần đặc trưng trên da trâu, bò mắc bệnh.

          - Khi có trâu, bò có biểu hiện nghi mắc bệnh Viêm da nổi cục cần báo cáo ngay cho Chính quyền địa phương và nhân viên chăn nuôi và thú y cơ sở để kiểm tra, lấy mẫu và xác minh nguyên nhân gây bệnh bằng xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm do Cục Thú y chỉ định.

5. Các biện pháp phòng, chống bênh Viêm da nổi cục

          *  Khi chưa có trâu, bò có biểu hiện của bệnh Viêm da nổi cục:

          - Tổ chức thống kê toàn bộ các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn.

          - Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát trâu, bò, kịp thời phát hiện các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi.

          - Chỉ nhập, tiếp nhận trâu, bò rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch theo quy định.

          - Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, bao gồm tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc.

          - Thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.

          - Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát. Trường hợp phát hiện trâu, bò nghi mắc bệnh Viêm da nổi cục, phối hợp với cơ quan Thú y chủ động lấy mẫu gửi đến các phòng xét nghiệm của Cục Thú y để xét nghiệm.

          * Đối với địa phương đã có trâu, bò có biểu hiện của bệnh, có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Viêm da nổi cục:

          - Tổ chức cách ly toàn bộ trâu, bò chưa có biểu hiện của bệnh Viêm da nổi cục; nuôi nhốt trâu, bò tại các khu vực có trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh.

          - Tổ chức tiêu hủy toàn bộ trâu, bò có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Viêm da nổi cục, hoặc trâu, bò trong cùng địa bàn cấp xã (đã có kết quả xét nghiệm dương tính) có biểu hiện lâm sàng của bệnh Viêm da nổi cục.

          - Tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng,… liên tục trong vòng 03 tuần tại các hộ chăn nuôi có trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có trâu, bò bị bệnh.

          - Khoanh vùng dịch, xã có dịch và lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra, vào các xã có dịch; trường hợp cần thiết thành lập đội kiểm soát lưu động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình vận chuyển trâu, bò ra, vào các xã có dịch.

          - Tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tất cả các địa phương đã phát hiện có bệnh Viêm da nổi cục; trong đó lưu ý, ghi rõ thông tin tình trạng gia súc khỏe mạnh, trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, thời gian xuất hiện các triệu chứng của bệnh, tình trạng xuất bán, giết mổ, vận chuyển trâu, bò ra khỏi địa bàn xã.

          - Tổ chức kê khai số lượng trâu, bò, đề nghị người chăn nuôi trên địa bàn xã có dịch cam kết không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường.

          - Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hằng ngày tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực chăn nuôi, nuôi nhốt trâu, bò.

          - Thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.

          - Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch và các giải pháp cụ thể về phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục.        

6. Phác đồ điều trị:

          - Bệnh viêm da, nổi cục trên trâu, bò không có thuốc đặc trị.

          - Khi bệnh xảy ra chữa triệu chứng như tiêm kháng sinh phòng bệnh kế phát, vệ sinh chuồng trại, chăm sóc, hộ lý tốt, dùng một số loại thuốc bổ để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi.

          - Nâng cao chăm sóc nuôi dưỡng và vệ sinh tiêu độc sát trùng. Tăng cường sức đề kháng bằng các loại thuốc bổ trợ như: Vitamine C, đường Glucose, Catosal, Multivitamine,… Những con phát bệnh dùng thuốc hạ sốt, kháng sinh liều nhẹ, kháng viêm,… kết hợp sát trùng vết thương bằng xanh Methylen, phèn chua.

7. Kỹ thuật bảo quản, sử dụng vắc xin

7.1. Bảo quản

          - Đối với vắc xin Lumpyvac được bảo quản ở nhiệt độ từ 20C đến 80C, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp, không bảo quản ở chế độ đông lạnh. Trong quá trình vận chuyển và sử dụng vắc xin phải được bảo quản trong thùng xốp cùng với đá lạnh hoặc đá khô.

7.2. Sử dụng vắc xin

          - Vắc xin Lumpyvac là vắc xin nhược độc dạng đông khô. (vắc-xin Lumpyvac do Công ty Vetal Animal Health Product S.A, Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất)

          -  Dung dịch pha (gồm vắc xin + lọ nước muối sinh lý 50 ml đã được làm mát); sử dụng lọ vắc xin đã pha trong vòng 2 giờ. Mỗi lần lấy vắc xin đã pha vào xi lanh phải lắc đều lại một lần nữa.

          - Cách pha vắc xin: Lọ vắc xin 25 liều pha với lọ nước muối sinh lý 50 ml tiêm cho 25 con trâu, bò.

          - Sử dụng:

          + Lắc kỹ vắc xin đã pha trước khi tiêm;

          + Tiêm dưới da.

          + Liều dùng: 2ml/con trâu, bò.

7.3. Mùa vụ và thời gian tiêm phòng

          - Triển khai tiêm phòng định kỳ vắc xin phòng bệnh VDNC 01 lần/năm (thời gian miễn dịch của vắc xin Lumpyvac  là 12 tháng).

7.4. Kỹ thuật tiêm phòng vắc xin Lumpyvac

7.4.1. Chuẩn bị trước khi tiêm

          - Làm gióng cố định trâu bò, chuẩn bị kẹp mũi, dây cố định trâu, bò.

          - Vắc xin và nước muối sinh lý còn hạn sử dụng.

          - Xi lanh, kim tiêm đã được vô trùng trước và sau mỗi lần tiêm.

          - Panh, bông, cồn sát trùng.

7.4.2. Quy trình tiêm phòng

a) Đối tượng tiêm phòng:

          - Tiêm phòng cho trâu, bò, bê, nghé khỏe mạnh từ 02 tháng tuổi trở lên (tại vùng dịch cũ và vùng bị dịch uy hiếp với các ổ dịch cũ), các vùng còn lại tiêm phòng cho đàn trâu, bò trên 06 tháng tuổi.



Tăng cường tiêm phòng vacxin để chủ động bảo vệ đàn trâu, bò

b) Kỹ thuật tiêm

          - Cố định trâu, bò chắc chắn;

          - Lắc kỹ chai vắc xin đã pha; hút 2 ml vắc xin vào xi lanh;

          - Vị trí tiêm: Tiêm dưới da cổ..

          - Sát trùng vị trí tiêm bằng cồn sát trùng, dùng hai ngón tay beo phần da cổ con vật lên để đâm kim vào theo chiều từ trên xuống dưới chếch 01 góc 45- 60 độ so với mặt phẳng cổ (Chú ý mũi kim tiêm phải xuyên qua lớp da và không đâm vào phần cơ, thịt) rồi nhẹ nhàng bơm vắc xin vào.

* Lưu ý:

          - Không được tiêm đồng thời hoặc kết hợp với vắc xin khác; khoảng cách giữa các lần tiêm vắc xin tối thiểu là 7 ngày.

          - Kiểm tra lâm sàng trước khi tiêm phòng: Trâu, bò khỏe có gương mũi ướt, đi đứng, ăn uống,… mọi trạng thái đều bình thường.

          - Chỉ tiêm vắc xin cho trâu, bò hoàn toàn khỏe mạnh, đúng tuổi; không tiêm cho đàn trâu, bò đang mắc bệnh (chưa khỏi triệu chứng lâm sàng), trâu, bò ốm yếu hoặc đang có những vết thương chưa lành. Triển khai tiêm phòng bổ sung cho đàn trâu, bò đã khỏi triệu chứng lâm sàng của bệnh Viêm da nổi cục.

          - Đối với trâu, bò đang mang thai (có chửa) cần thao tác nhẹ nhàng; không tiêm cho trâu, bò mang thai ở thời kỳ đầu và thời kỳ cuối của quá trình mang thai.

          - Sau khi tiêm phòng cần theo dõi tình hình sức khỏe, cho trâu, bò nghỉ ngơi không cho trâu, bò làm việc nặng như cày, kéo,... Khi trâu, bò có biểu hiện phản ứng bất thường cần báo ngay cho cán bộ thú y hoặc người trực tiếp tiêm phòng để can thiệp, xử lý.

8. Cách xử lý các trường hợp trâu, bò bị phản ứng sau tiêm phòng vắc xin

8.1. Trường hợp trâu, bò có thể phát bệnh sau tiêm phòng vắc xin

          - Trâu, bò có thể phát bệnh sau tiêm phòng vắc xin là do những trâu, bò mang mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh.

          - Bệnh thường xuất hiện sau khi tiêm từ 24 giờ đến 48 giờ sau tiêm phòng vắc xin, với các biểu hiện mệt mỏi, ăn ít hoặc bỏ ăn kèm theo sốt cao, thở khó, chảy nước mũi…

          - Cách xử lý khi trâu, bò phát bệnh:

          + Cách ly ra khỏi đàn, để tiện cho việc chăm sóc, chữa trị theo triệu chứng của bệnh.

          + Kết hợp với chăm sóc nuôi dưỡng và công tác vệ sinh phòng bệnh triệt để nâng cao sức đề kháng.

          - Hiện tượng phản ứng sau tiêm phòng thực tế cũng là hiện tượng phòng vệ của cơ thể bản thân con vật, do vậy sau mỗi đợt tiêm phòng thường không tránh khỏi trường hợp phản ứng. Do đó khuyến cáo người chăn nuôi sau khi tiêm phòng cần chú ý theo dõi quản lý con vật, nếu thấy hiện tuợng phản ứng thì cần báo ngay cho cán bộ thú y hoặc người trực tiếp tiêm phòng để có biện pháp can thiệp xử lý kịp thời.

8.2. Phản ứng sinh lý bình thường

          - Triệu chứng: Đây là phản ứng có lợi, là một phần quan trọng của phản ứng đáp ứng miễn dịch đặc hiệu ở động vật. Sau khi tiêm phòng trâu, bò có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, cơ thể sưng nhẹ ở vị trí tiêm nhưng trâu, bò vẫn ăn uống và không có dấu hiệu khó thở.

          - Biện pháp xử lý: Cho trâu, bò ăn uống đầy đủ, nằm nghỉ ngơi râm mát, kín gió,yên tĩnh trâu, bò sẽ tự khỏi sau một vài ngày.

8.3. Phản ứng nhẹ mang tính chất cục bộ

          - Triệu chứng: Tại vị trí tiêm bị viêm, biểu hiện triệu trứng như sưng, nóng đỏ, đau, con vật bị sốt, có thể hình thành ổ áp xe, để lâu có thể hình thành khối u, sơ cứng.

          - Biện pháp xử lý: Cho trâu, bò nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, kín gió, cho con vật ăn uống đầy đủ, dùng kháng sinh để chống viêm, dùng thuốc hạ sốt, trợ sức, xoa bóp bằng cồn salisilat methyl hoặc chườm nóng tại vị trí sưng.

8.4. Phản ứng toàn thân

* Sốc phản vệ:

          - Triệu chứng: Thường xảy ra ngay sau khi tiêm vắcxin trâu, bò có biểu hiện choáng, ngất, chân run rẩy, đi lại không vững hoặc khuỵu ngã, sùi bọt mép, chảy nước dãi, trụy tim, khó thở, sốt cao, ói mửa... nếu nặng không cấp cứu kịp thời con vật sẽ chết.

          - Biện pháp xử lý: Cho trâu, bò nằm nghỉ ngơi râm mát kín gió, yên tĩnh, đầu thấp, nghiêng sang một bên, khi có biểu hiện khó thở cần hỗ trợ hô hấp bằng cách tác động cơ học vào vùng bụng, ngực của trâu, bò theo kỹ thuật hô hấp nhân tạo. Dùng thuốc điều trị trong 3 ngày liên tục, sử dụng các loại thuốc như trợ tim, chống dị ứng, trợ sức, thuốc an thần, thuốc hạ sốt, thuốc trợ hô hấp và thuốc kháng sinh để tránh viêm nhiễm và đề phòng các bệnh kế phát.

* Phản ứng ngoài da

          - Triệu trứng: trường hợp này xảy ra chậm, trong vòng vài giờ hoặc từ 1-2 ngày mới biểu hiện triệu chứng trâu, bò có các triệu chứng như sốt nhẹ, phát ban tại các vị trí da mỏng, có biểu hiện ngứa toàn thân.

          - Biện pháp xử lý: Cho trâu, bò nằm  nghỉ nơi râm mát, kín gió.Trường hợp phát ban nặng có thể dùng các thuốc hạ sốt, trợ sức, thuốc chống dị ứng điều trị từ 2-3 ngày./.

[Trở về]
Các tin cũ hơn:
KỸ THUẬT CHĂN NUÔI DÊ
Cần đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi vỗ béo bò
Kỹ thuật trồng một số loại cây làm thức ăn cho gia súc
Xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi - một số công nghệ mới
Quy trình ủ chua cỏ xanh dự trữ làm thức ăn cho gia súc
Kỹ thuật nuôi trùn quế
Những điều cần biết về tinh phân biệt giới tính trên vật nuôi
Chất thải trong chăn nuôi và một số biện pháp xử lý
Bệnh liên cầu khuẩn lợn và biện pháp phòng trị
Nuôi nhông trên cát
    
1   2   3   4  
    

Liên kết Web

Chuyên đề khuyến nông


    Lượt truy cập

    Tổng số lượt truy cập

    00004919414

    Lượt trong ngày
    1933
    Năm trước: 1313241
    Tổng số
    4919414