Lớp tập huấn là một trong những hoạt động quan trọng của mô hình. Mô hình được triển khai bằng nguồn kinh phí khuyến nông tỉnh, do Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam hợp đồng với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã thực hiện trong thời gian 8 tháng (bắt đầu từ tháng 4/2023), với mục tiêu: Giải quyết những vấn đề gây ô nhiễm môi trường, bệnh tật, chi phí và vệ sinh chuồng trại, chi phí xử lý chất thải; Chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò thịt lai vỗ béo thâm canh; Hướng dẫn xử lý chất thải bằng men vi sinh cung cấp nguồn phân bón trồng cỏ thâm canh làm thức ăn cho bò, giúp người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn cho bò bằng cách phối trộn, chế biến, ủ chua các nguyên liệu thức ăn có sẵn tại địa phương, chủ động phòng tránh dịch bệnh trên đàn bò bằng vệ sinh thú y, chăm sóc nuôi dưỡng và tiêm phòng các loại vacxin, thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, không chăm sóc sang chăn nuôi có quy mô, có chuồng trại, có chăm sóc nuôi dưỡng, an toàn dịch bệnh.
Quang cảnh lớp tập huấn
Tính mới của mô hình Chăn nuôi bò thịt lai (xử lý chất thải bằng men vi sinh) liên kết tiêu thụ sản phẩm là mô hình phù hợp với xu hướng phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng tối đa nhu cầu của người nông dân về hoạt động chăn nuôi sạch, an toàn, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi diện tích đất cho phát triển chăn nuôi gia trại và trang trại đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các nơi tập trung dân cư đông đúc. Thông qua mô hình, tư vấn hỗ trợ người chăn nuôi hình thành mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm bền vững. Dùng men vi sinh xử lý chất thải hạn chế tác động ô nhiễm môi trường như, bệnh tật, chi phí và vệ sinh chuồng trại, chi phí xử lý chất thải….tạo động lực tích cực, giúp nông dân tại các địa phương trong tỉnh hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, hạn chế tối đa ô nhiễm trong chăn nuôi.
Ông Phan Phước Hải - PCT UBND xã Điện Phong phát biểu khai mạc tại lớp tập huấn
Được biết, mô hình năm 2023 triển khai với qui mô 24 bò thịt lai/02 hộ tham gia của 02 xã Điện Phong và Điện Trung (mỗi xã 01 hộ). Để tạo điều kiện cho nhiều nông dân được tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi, lớp tập huấn đã có sự tham gia của hơn 30 hộ dân của 2 xã. Sau khi nghe cán bộ kỹ thuật của Trung tâm KTNN thiị xã trình bày các nội dung liên quan đến mô hình, kỹ thuật chăn nuôi bò thịt lai theo hướng thâm canh, xử lý chất thải bằng men vi sinh, kết hợp liên kết tiêu thụ sản phẩm, học viên tham gia lớp tập huấn chia xẻ nhiều kinh nghiệm hay, đặt ra những câu hỏi về những hạn chế, những vấn đề còn quan tâm trong quá trình tổ chức chăn nuôi tại địa phương.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Kỹ thuât nông nghiệp thị xã hướng dẫn tại lớp tập huấn
Ngoài trao đổi lý thuyết và ý kiến thảo luận tại hội trường, lớp tập huấn còn thiết kế phần thực hành chế biến thức ăn bằng nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào tại địa phương để bảo quản sử dụng vào mùa khan hiếm thức ăn cho bò (mùa mưa lạnh và mùa khô hạn) và phương pháp pha trộn men để ủ phân của bò.

Học viên lớp tập huấn thực hành ủ chua thức ăn xanh
Tham gia với lớp tập huấn, cán bộ khuyến nông tỉnh cũng đã chia xẻ, trao đổi một số nội dung thiết thực đến chăn nuôi bò thịt lai: việc chế biến thực ăn tinh để hạ giá thành, sử dụng một số giống bò năng suất chất lượng cao, quan tâm một số bệnh nguy hiểm ở bò, vấn đề hình thành các tổ nhóm chăn nuôi, liên kết tiêu thụ sản phẩm, vấn đề xử lý chất thải bảo vệ môi trường để đạt tiêu chí trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Đàn bò lai BBB của hộ ông Tỉnh (Điện Phong) tham gia trong mô hình
Thông qua lớp tập huấn, học viên được tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi theo hướng thâm canh tiến bộ, đồng thời với việc trực tiếp thao tác tại hiện trường, hầu hất học viên đều khẳng định sẽ áp dụng được trong thời gian đến, với mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy chăn nuôi bò thịt lai ngày càng hiệu quả hơn./.