Sáng ngày 25/4, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại điểm cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT, số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, đồng chí Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, đồng chí Trần Thanh Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và đồng chí Phùng Đức Tiến , Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh, đồng chí Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở và đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Nam
Hội nghị nhằm chào mừng kỷ niệm “Ngày đổi mới sáng tạo thế giới 21-4” và “Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18-5”. Đồng thời phổ biến, quán triệt thực hiện chiến lược phát triển KH&CN và Đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức thực hiện Chiến lược; Trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN và Đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng chí Trần Thanh Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc hội nghị
Hội nghị được nghe lãnh đạo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường giới thiệu tóm tắt Quyết định số 296/QĐ-BNN-KHCN ngày15/01/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” .
Với mục tiêu tổng quát nhằm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bền vững, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và quốc tế, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại. Xây dựng hệ thống các tổ chức KH&CN ngành nông nghiệp đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các luận cứ và sản phẩm khoa học có giá trị cao, tiếp thu chọn lọc và làm chủ các công nghệ tiên tiến của thế giới, chuyển giao ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn sản xuất; góp phần nâng cao nhanh thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Về mục tiêu cụ thể đến năm 2030 cần nâng cao đóng góp của KH&CN và ĐMST vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức trên 50%; Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt trên 40%; Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ KH&CN có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật..., được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90% vào năm 2025 và đạt trên 95% năm 2030. Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học thuộc Bộ cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021-2025 và 35% giai đoạn 2026-2030; Hỗ trợ xây dựng và phát triển được ít nhất 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước; xây dựng và phát triển 50-100 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái nông nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST chiếm 60% vào năm 2025 và chiếm 85% năm 2030…
Tại Hội nghị các địa phương, các đơn vị thuộc Bộ, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học đã thảo luận chia sẻ tâm tư, khát vọng, khó khăn, vướng mắc nhằm định hướng và đưa ra các giải pháp trọng tâm để nâng cao chiến lược phát triển KH&CN và Đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Kết luận tại Hội nghị đồng chí Lê Minh Hoan hy vọng các nhà nghiên cứu khoa học tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển KH&CN tạo động lực để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn hướng tới nền nông nghiệp bền vững, xanh, thân thiên với môi trường, giảm phác thải, chuyển đổi số thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ Nông nghiệp và PTNT mong muốn nhận được sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đó là:
Một là, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý khoa học, công nghệ cà ĐMST tạo môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để sản phẩm KH&CN được tạo ra và ứng dụng nhanh vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp.
Hai là, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, tăng đầu tư từ nguồn nân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và ĐMST trong nông nghiệp. Huy động tối đa các nuồn vốn xã hội hoá cho phát triển KH&CN và ĐMST.
Ba là, đổi mới, xã hội hoá mạnh mẽ công tác khuyến nông, phân cấp mạnh mẽ hoạt động khuyến nông cho các tổ chức của nông dân và doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ công tác đào tạo- nghiên cứu- khuyến nông. Chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông đáp ứng nhu cầu công nghệ mới, đặc biệt là kỹ năng về công nghệ số và công nghệ thế hệ mới. Đào tạo, tập huấn về tiếp thị, thương mại và vận hành thị trường KH&CN.
Bốn là, xây dựng đội ngủ cán bộ KH&CN có tâm huyết, chuyên môn hoá cao, có kinh nghiệm, có khả năng nghiên cứu kết hợp tư vấn, chuyển giao sản phẩm KH&CN trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp góp phần đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng các sản phẩm của nghiên cứu, chuyển giao.
Năm là, Phát triển nghiên cứu và làm chủ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao
Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tăng cường hợp tác song phương, đa phương trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến.
Bảy là, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ số để tối ưu hoá quá trình sản xuất nông nghiệp quản trị, số hoá trong xây dựng nông thôn mới, hướng đến các mô hình nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh./.