Mục tiêu của mô hình này là giúp người dân đang có vườn cây Lòn bon hiểu được ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng trái cây Lòn bon. Trong quá trình triển khai mô hình đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp chăm sóc phục hồi cây; nâng cao tỷ lệ sử dụng phân hữu cơ và tiết kiệm nước tưới; sử dụng phân bón lá; phân bón vi lượng (tạo mầm hoa, siêu bo và can xi bo sữa)…; giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, ra hoa đậu trái nhiều; nâng cao sản lượng và chất lượng trái, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hình 1: Nhà vườn thu hoạch trái Lòn bon bán cho thương lái đến mua tại vườn
Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp (TTKTNN) huyện Tiên Phước đã triển khai mô hình "Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng trên cây Lòn bon” cho 02 vườn hộ dân xã Tiên Châu. Đó là, vườn hộ ông Nguyễn Văn Hiến (thôn Hội Lâm), với quy mô 1.000m2/32 cây và vườn ông Phạm Văn Tuyết (thôn Hội An), quy mô 900m2/28 cây. Cây Lòn bon trong vườn có tuổi đời từ 15-30 năm tuổi. Tham gia mô hình các hộ dân được hỗ trợ 62,9% vật tư, phân bón (tổng kinh phí mua vật tư, phân bón nhà nước hỗn trợ 10.745.000,đồng, hộ dân đối ứng 6.343.000,đồng).
Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật (01 lớp/30 người) cho các hộ tham gia mô hình và các hộ dân có vườn trồng cây Lòn bon trong xã tham gia. Và cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, kích ra hoa, quả..., ghi chép rõ thời gian thực hiện và kết quả đạt được của mô hình. Khi mô hình kết thúc đã tổng kết mô hình và được trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm khi gặp các vấn đề về kỹ thuật trong thực hiện mô hình.
Hình 2: Lòn bon năm nay được mùa lại được giá nhà vườn rất phấn khởi
Theo kết quả đánh giá tại Hội thảo mô hình “Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng trái trên cây Lòn bon” cho thấy: hiệu quả về năng suất và chất lượng trái Lòn bon tăng lên rất cao. Sản lượng Lòn bon thu hoạch bình quân 40kg trái/cây, tăng gấp hơn 2 lần so với cây đối chứng trong vườn (18kg trái/cây). Nhờ đó, hiệu quả kinh tế thu được từ vườn tham gia mô hình đạt trên 32 triệu đồng/01 vườn/30 cây. Tiền bán trái Lòn bon tại vườn thu được bình quân hơn 1,2 triệu đồng/cây, cao hơn vườn đại trà 500.000,đồng/cây.
Ông Phạm Tiến Dũng- PGĐ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cho biết: lâu nay các hộ làm vườn ở xã Tiên Châu hằng năm chăm sóc cây Lòn bon ít đầu tư kinh phí mua phân bón vật tư, chỉ sử dụng bón phân hữu cơ, vườn cây canh tác lâu năm nên đất không đủ chất dinh dưỡng nuôi cây, dẫn đến cây trồng sinh trưởng và phát triển kém, cây ra hoa, đậu trái ít, dẫn đến thu hoạch hằng năm đạt sản lượng thấp, năm được, năm không… Khi ứng dụng khoa học kỹ thuật tác động vào vườn cây cho thấy: cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho sản lượng trái cao, chất lượng tốt, trái lòn bon sáng đẹp, chất lượng ngon hơn so với vườn đại trà.
Hình 3: Cây Lòn bon 30 năm tuổi “Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật cây ST-PT tốt” cho trái nhiều
Các đại biểu tham dự hội thảo đều đánh giá cao kết quả của mô hình đạt được, với đại đa số các nhà vườn trồng nhiều Lòn bon ở xã Tiên Châu đều có chung mong muốn vườn của nhà mình cũng được áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào vườn cây. Cho nên, các hộ dân đề nghị Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện, các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ và tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp vườn cây Lòn bon của các hộ dân xã Tiên Châu nâng cao năng suất, chất lượng trái Lòn bon, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng, giá trị cao, tạo tiền đề cho phát triển du lịch, tăng lợi nhuận cho người sản xuất, canh tác vườn cây ăn quả bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái./.