Nằm trong khuôn khổ của Kế hoạch tham quan, học tập kinh nghiệm hoạt động khuyến nông trong nước năm 2023 của Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam; Vừa qua Đoàn tham quan đã đến thăm mô hình Trồng chuối Tiêu hồng thương phẩm Tại Hợp tác xã Tiến Thành thành phố Hưng Yên; Đây là điều kiện cho cán bộ viên chức, chủ hộ, thành viên hợp tác xã, thành viên Tổ khuyến nông cộng đồng học hỏi kinh nghiệm hoạt động khuyến nông và các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất,.. đồng thời trao đổi học hỏi các nội dung liên quan đến chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp; tìm hiểu về tổ chức xây dựng và hoạt động Tổ khuyến nông cộng đồng.
Hưng Yên xác định sản xuất nông nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Tổng diện tích Cây chuối trên địa bàn tỉnh khoảng 560 ha, sản lượng ước đạt 19.000 tấn.
Đoàn tham quan Quảng Nam tại vườn chuối Ông Nguyễn Tùng Giang
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên chỉ tính riêng các xã, phường vùng bãi ven sông Hồng ở TP Hưng Yên đã chuyển đổi được gần 100 ha ngô, đay hiệu quả kinh tế thấp sang trồng chuối. Trung bình mỗi năm 1 sào chuối bỏ vốn và công chăm sóc hết khoảng 1,5 triệu đồng, cho thu lãi từ 10- 15 triệu đồng (từ 300- 350 triệu đồng/ha/năm). Do lãi cao nên nhiều hộ đã xây dựng trang trại chuyên canh chuối tiêu hồng rộng hàng chục mẫu, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng.
Tiêu hồng thuộc nhóm Chuối Tiêu vừa, thân giả cao 2,1- 2,5m, sinh trưởng khỏe, lá xanh sáng, bản lá rộng, số lá hoạt động khi trỗ buồng thường đạt từ 10- 12 lá. Buồng hình trụ, bình quân có 10- 12 nải, nặng khoảng 45 kg/buồng. Là giống cho năng suất cao, trung bình đạt 40-45 tấn/ha. Khi chín vỏ quả có màu vàng sáng đẹp.
Đoàn tham quan Quảng Nam tại vườn chuối Ông Nguyễn Tùng Giang
Theo ông Đỗ Trọng Thạo Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên do chuối Tiêu Hồng là loại cây tương đối dễ chăm sóc, phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương, cùng với thị trường tiêu thụ ổn định nên quy mô, diện tích trồng chuối tiêu hồng ngày càng được mở rộng. Cụ thể, với 1ha đất trồng chuối Tiêu Hồng (tương đương 1.500 gốc chuối) chỉ phải đầu tư giống ban đầu, thu được gần 40 tấn quả. Mức giá bình quân 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 120 triệu đồng. Những năm tiếp theo có thể sử dụng các mầm của cây "mẹ" làm giống mới. Tuy nhiên, muốn cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho quả to, đẹp, màu sắc bắt mắt thì cần chọn mầm giống chất lượng, sạch bệnh...Với việc chuyển hướng sang trồng cây chuối tiêu hồng, bước đầu đem lại thu nhập bình quân cho người dân khoảng 260 triệu đồng/ha, tăng hơn 30% so với thu nhập từ trồng các loại cây trồng khác. Hiện, Phường Lam Sơn có khoảng 120ha trồng chuối tiêu hồng trong tổng số 473ha vườn cây ăn quả, năng suất bình quân đạt 40-50 tấn chuối/ha/vụ, hầu hết là trồng chuyên canh. Để tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất của cây trồng này, thời gian tới, UBND Phường sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên tuyền, tập huấn, nâng cao kiến thức về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Tuyên truyền cho người dân trồng thành vùng, liên kết giữa các hộ để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng chuối tiêu hồng phát triển thành sản phẩm OCOP... nhằm mang lại thu nhập ổn định, giúp nông dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo...
ông Đỗ Trọng Thạo Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên cùng tác giả
Nói về kinh nghiệm trồng chuối, anh Nguyễn Tùng Giang giám đốc HTX Tiến Thành cho hay: Ưu điểm của giống chuối nuôi cấy mô là dễ trồng, cây sinh trưởng, phát triển mạnh, ít sâu bệnh, nhanh cho thu hoạch và cho lãi cao hơn hẳn chuối thường. Muốn cho chuối có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, bán được giá cao phải thường xuyên giữ ẩm, đánh thuốc chống sương, tỉa bỏ bớt cây con chỉ giữ lại mỗi gốc 1 cây khỏe mạnh để thay thế cây mẹ và dùng bao nilon để bao cả buồng. Trồng 1 năm thu 2- 3 lứa quả rồi phá bỏ để trồng lại nhằm tránh bệnh thối gốc, thối rễ do tuyến trùng.
Chuối tiêu hồng là loại cây tương đối dễ chăm sóc, năng suất cao mang lại hiệu quả kinh tế và phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu của nhiều vùng trên tỉnh ta. Những kinh nghiệm từ thực tế sản xuất tại đây là bài học tốt để các thành viên trong đoàn áp dụng vào thực tiển tại địa phương mình.
Một số hình ảnh do chủ mô hình anh Nguyễn Tùng Giang giám đốc HTX Tiến Thành cung cấp
|