Điều kiện tự nhiên, xã hội của huyện Ba Tơ
Ba Tơ là huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh Quảng Ngãi cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 60 km. Diện tích tự nhiên của huyện gần 113.670 ha, lớn nhất trong các đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi và chiếm hơn 1/5 diện tích toàn tỉnh. Phần lớn địa hình là rừng núi, độ dốc cao thấp đột biến, độ chia cắt mạnh. Về mặt đất đai: Đất nông nghiệp là 91.485,7ha (chiếm 80,48% DTTT), đất sản xuất nông nghiệp là 9.306 ha (chiếm 10,17%), đất lâm nghiệp là 81.913ha (chiếm 89,53%), đất nuôi trồng thủy sản là 3,2ha (chiếm 0,01 %), đất nông nghiệp khác là 263,5 ha (chiếm 0,029%). Đất phi nông nghiệp là 1.288,8 ha (chiếm 1,14 %). Đất chưa sử dụng là 20.595 ha (chiếm 18,38%). Về mặt thổ nhưỡng, nhóm đất xám có diện tích lớn nhất, thuận lợi gieo trồng nhiều loại cây trồng khác nhau như: đậu phụng, khoai, dưa hấu, mía, bắp, lúa nước…Khí hậu ở đây chủ yếu là nóng ẩm, nhiệt ñộ cao, lượng mưa khá lớn, một năm có hai mùa rõ rệt (mùa mưa và mùa khô). Rừng ở Ba Tơ mang đặc trưng của rừng nhiệt đới nhiều tầng.
Ba Tơ là một trong những huyện nghèo của cả nước được hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Huyện có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 19 xã và 1 thị trấn (có 08 xã, thị trấn thuộc khu vực II, với 20 thôn, tổ dân phố thuộc vùng đặt biệt khó khăn và 12 xã thuộc khu vực III). Dân số khoảng 51.330 người, gồm dân tộc Kinh và H're, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 85%. Mật độ dân số phân bố không đều. Lao ñộng chiếm 58,96% dân số, lao ñộng nông, lâm nghiệp chiếm 95,19%. Năm 2023, cơ cấu kinh tế của huyện là nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm từ 48 - 49%, công nghiệp và xây dựng chiếm 35 - 36%, thương mại - dịch vụ chiếm 14 - 15%... Về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, số tiêu chí NTM đạt chuẩn bình quân 12,22 tiêu chí/xã; toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn NTM là Ba Động và Ba Cung. Có 3 xã Ba Liên, Ba Điền, Ba Vì hiện đang lập hồ sơ đề nghị thẩm tra, xét đạt chuẩn NTM.
Về lịch sử, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ba Tơ là nơi rừng thiêng nước độc, giờ đây huyện đang thay da đổi thịt từng ngày. Ba Tơ có nhiều dấu ấn được ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam: Nơi diễn ra cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ (ngày 11/3/1945); nơi ra đời Đội Du kích Ba Tơ (một trong những đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng); nơi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là vùng An toàn khu (ATK) của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; là một trong hai huyện ở miền Nam được giải phóng sớm nhất trong thời ký kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1972); được Chủ tịch nước phong tặng 02 lần danh hiệu anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới).
Đàn trâu cái nền tại huyện Ba Tơ
Cách làm và hiệu quả từ một mô hình khuyến nông
Trao đổi với chúng tôi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi cho biết: Chương trình khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2024 – 2026, tập trung hỗ trợ xây dựng 4 mô hình lớn trên 4 lĩnh vực khuyến nông chăn nuôi, trồng trọt, khuyến ngư và khuyến lâm, với tổng kinh phí 10,5 tỷ, triển khai thực hiện trong 3 năm. Việc đầu tư tập trung, có chủ điểm cho từng loại cây trồng, con vật nuôi có thế mạnh của địa phương giúp sản phẩm nông nghiệp dễ trở thành hàng hóa; hơn nữa là sản phẩm OCOP, đặc hữu của từng vùng miền. Đi dọc theo tuyến Quốc lộ 24 đoạn từ km17 ngược về thị trấn Ba Tơ, đến Ba Vì, dưới chân đèo Violac, thi thoảng chúng tôi bắt gặp những bảng treo bán thịt trâu. Nơi thì treo bảng bán thịt tươi, nơi mở thành quán ăn. Ở các quán này, ngày nghỉ, hay ngày lễ đều đông khách. Thịt trâu nay được bán như hàng hóa xuất phát từ nhu cầu của khách thập phương muốn thưởng thức món ăn truyền thống của đồng bào H’rê Ba Tơ. Những món ăn chế biến từ thịt trâu như: Thịt trâu xá bần, thịt trâu cuốn lá lốt... đã trở thành món đặc trưng mang đậm hương vị ẩm thực người H’rê.
Phương thức triển khai xây dựng các mô hình cũng khá chặt chẽ. Các cơ quan chuyên môn nông nghiệp cấp huyện và UBND các xã tuyên truyền sâu rộng, công khai, minh bạch kế hoạch Cải tiến nâng cao tầm vóc đàn trâu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025 đến tất cả nông dân trong xã. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình chăn nuôi của các hộ dân tham gia mô hình để kịp thời hỗ trợ người dân, không để con giống bị chết do các nguyên nhân chủ quan như thiếu thức ăn, đói rét trong mùa mưa. Nông dân tham gia mô hình phải tuyên truyền, vận động những hộ dân khác tiến hành lai tạo, cải thiện chất lượng đàn trâu và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật đã được hướng dẫn vào việc chăn nuôi, để nâng cao hiệu quả kinh tế. Để đảm bảo hiệu quả của việc hỗ trợ, địa phương lựa chọn hộ dân tham gia mô hình là những hộ có sẵn trâu cái trong chuồng và phải ở trong khu dân cư có từ 30 con trâu cái trở lên. Cùng với đó, hộ chăn nuôi phải cam kết với địa phương rằng, trong 5 năm, tiến hành vận động các hộ dân khác trong khu dân cư dùng trâu giống được hỗ trợ để lai tạo, phối giống ra khoảng 100 con nghé
Theo ông Nguyễn Thanh Lục, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Tơ cho biết: Gần 10 năm qua, các hộ chăn nuôi trâu trên địa bàn huyện Ba Tơ được hưởng lợi từ nhiều dự án, chương trình cải tiến tầm vóc đàn trâu của tỉnh và huyện. Ngoài trâu giống, các hộ dân còn được hỗ trợ xây dựng chuồng trại và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Các hộ dân không chỉ lai tạo cho đàn trâu của gia đình, mà còn lai tạo cho đàn trâu của các hộ chăn nuôi khác tại địa phương.
Đến nay, trong tổng đàn trâu hơn 27 nghìn con trên địa bàn huyện, có khoảng 10 nghìn con trâu lai với tầm vóc, thể trạng vượt trội. Hiệu quả mang lại từ các chương trình, dự án nâng cao tầm vóc đàn trâu, tỉnh tiếp tục ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch Cải tiến nâng cao tầm vóc đàn trâu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025. Trong giai đoạn này, tỉnh hỗ trợ cho người dân khoảng 130 trâu đực giống đảm bảo chất lượng để thực hiện phối giống tạo ra khoảng 5.700 con trâu lai tại 3 huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Minh Long./.
|