Để phát huy tìm năng lợi thế, Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển dược liệu. Điển hình như: Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2022 – 2025; Quyết định số 754/QĐ-UBND ngày 13/4/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam Phê duyệt Đề cương và dự toán kinh phí xây dựng Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực; Quyết định số 2270/QĐ-UBND ngày 20/10/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam Ban hành Đề án “Triển khai thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”; Quyết định số 2801/QĐ-UBND ngày 4/12/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc ban hành danh mục cây dược liệu ưu tiên phát triển tại Quảng Nam;…
Hình ảnh: Cây Đảng sâm trồng trên đất nương rẫy
Trong quá trình tổ chức thực hiện, vấn đề thực tiễn đặt ra đối với việc phát triển vùng trồng dược liệu gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong khâu giống cây dược liệu. Chúng ta đều biết mỗi loài cây dược liệu đều thích hợp ở những vùng sinh thái nhất định; đa phần chúng hình thành và phát triển ở các điều kiện tự nhiên dưới tán rừng. Vì vậy, trải qua quá trình lâu dài chúng trở thành các loài đặc hữu, bản địa. Do đó để có nguồn cây giống đủ lớn, đáp ứng các yêu cầu quy định của pháp luật về giống cây trồng (Luật Trồng trọt, Nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác) phục vụ cho sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu dược liệu là vấn đề hết sức khó khăn.
Hình ảnh: Cây giống Ba kích tím
Trong thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của ngành Nông nghiệp Quảng Nam đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tổ chức sản xuất cây giống đảm bảo theo các quy định của pháp luật như: Đề nghị công nhận lưu hành đặc cách; Tổ chức công nhận các cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng; Hướng dẫn thực hiện các quy định liên quan đến sản xuất và kinh doanh giống cây trồng nói chung và cây dược liệu nói riêng;…
Hình ảnh: Cây giống Sâm Ngọc Linh
Mặc dù vậy, trong thực tiễn sản xuất đặc ra khi triển khai thực hiện cung ứng giống dược liệu cho các chương trình, mô hình, dự án…vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể:
- Có rất ít các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống đáp ứng các điều kiện cơ bản như: (1) Có cây giống thuộc danh mục giống dược liệu ưu tiên phát triển; (2) Cây giống thuộc loài bản địa, đặc hữu thích hợp, thích nghi với yêu cầu sinh thái tại Quảng Nam; (3) Đảm bảo các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng .
- Hiện nay, đa phần các cây giống dược liệu phù hợp để phát triển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa được công nhận lưu hành hoặc chưa có tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh tự công bố lưu hành theo quy định.
- Một số chương trình, mô hình, dự án…cho sử dụng nguồn giống trong dân để thực hiện cung ứng, hỗ trợ; nhưng lại gặp khó khăn về nguồn cây giống triển khai trên quy mô lớn, khó khăn về thẩm định, xác định giá…; do trên địa bàn không có sản phẩm tương tự.
Hy vọng rằng, trong thời gian tới để đưa Quảng Nam trở thành “Trung tâm công nghiệp dược liệu”; rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn, trong đó có vấn đề về cây giống dược liệu phục vụ cho phát triển vùng nguyên liệu của tỉnh./.
(Kỳ tới: Phần II. Đề xuất các giải pháp)