Dự án triển khai tại xã Trà Vinh huyện Nam Trà My, với tổng quy mô 4.000 m2 diện tích mặt nước ao, hồ, 20 hộ tham gia. Với tiêu chí khảo sát chọn hộ ban đầu có trên 70% người dân tham gia dự án là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Trước khi thả giống, các được tập huấn kỹ về kỹ thuật nuôi ghép các loại cá trong ao dưới hình thức cầm tay chỉ việc. Khi thực hiện dự án các hộ được hỗ trợ cá giống, thức ăn và vôi để cải tại ao và phòng trị bệnh cho cá nuôi. Tổng số lượng cá giống cấp cho 20 hộ đạt 12.000 con cá giống các loại như: cá diêu hồng, rô phi, cá chép, cá trắm cỏ và hơn 4.800 kg thức ăn tổng hợp. Ngoài ra các hộ tham gia dự án được hướng dẫn cách chăm sóc cá nuôi phù hợp với địa phương vùng núi cao, tận dụng những sản phẩm sẵn có ở địa phương để làm thức ăn bổ sung cho cá, giảm chi phí và các phòng – trị bệnh tổng hợp cho cá.
Hình ảnh các hộ nhận thức ăn cho cá
Ông Nguyễn Văn Thương – Chủ tịch UBND xã Trà Vinh vui mừng chia sẻ: Đây là lần đầu tiên xã được hỗ trợ mô hình nuôi ghép các loại cá nước ngọt trong ao, bà con tham gia dự án trong xã rất phấn khởi vì vừa được nhận con giống, thức ăn, vôi và tập huấn kỹ thuật nuôi rất kỹ.
Các hộ kiểm tra cá giống trước khi thả nuôi
Với mục tiêu khai thác tiềm năng diện tích mặt nước ao, hồ ở vùng miền núi cao, đồng thời tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương để phát triển nuôi cá nước ngọt. Tạo nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ, phong phú, cải thiện bữa ăn đủ đạm cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tạo việc làm cho lao động nông nhàn, có sinh kế bền vững, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Đồng thời, qua đó chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi cá nước ngọt đến được với người dân vùng cao, dần thay đổi được tập quán, phương thức nuôi truyền thống của người dân trước đây./.