Hè thu này, nhiều hộ dân khác ở cùng quê với anh Bảy Dương Đàn cũng rất vui vì trúng mùa đậu phụng. Trao đổi với Tư tôi, ThS. Nguyễn Thị Bích Lợi, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam cho biết, hồi đầu vụ đơn vị phối hợp với Trường Đại học Nông - lâm Huế cùng ngành nông nghiệp huyện Phú Ninh tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình canh tác và hỗ trợ các loại vật tư thiết yếu cho 40 hộ dân ở xã Tam Dân trồng khảo nghiệm giống đậu phụng L23 trên 80 sào đất lúa cát pha không chủ động nước tưới. Trong đó, bố trí 10 sào sử dụng chế phẩm sinh học TP để phòng trừ bệnh héo rũ. Thực tế cho thấy, bình quân 1ha của mô hình không sử dụng chế phẩm sinh học TP cho năng suất 26 tạ đậu phụng khô, quy ra giá trị đạt 57,2 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng hơn 28,3 triệu đồng. Riêng các chân ruộng có sử dụng chế phẩm sinh học TP, thì nhờ tỷ lệ bệnh chết ẻo, thối trắng và thối đen cổ rễ thấp hơn nên năng suất đạt 32 tạ/ha, quy ra giá trị khoảng 70,4 triệu đồng, trừ vốn đầu tư còn lãi gần 38 triệu đồng.
Thành công của mô hình trồng đậu phụng có sức chịu hạn tốt trên đất lúa không chủ động nước tưới tại xã Tam Dân đã mở ra một hướng mới phù hợp trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Phú Ninh và các địa phương khác của tỉnh. Hy vọng mô hình này sẽ sớm được nhân rộng để hạn chế tình trạng ruộng lúa bỏ hoang vào vụ hè thu.
TƯ RUỘNG