Với mục tiêu chia sẻ, cập nhật thông tin về kết quả công tác ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2010 – 2015 các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp và PTNT, các tổ chức phi Chính phủ chia sẻ các kết quả thực hiện các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn vừa qua đồng thời tham vấn, thảo luận về nhu cầu và trọng tâm của công tác ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2020 cho các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp & PTNT.
Hội thảo đã nghe 3 báo cáo về kết quả triển khai kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu, Canh tác SRI tại Việt Nam và báo cáo Các biện pháp tiềm năng giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa nước ở Việt Nam. Giai đoạn 2010 – 2015, về công tác tổ chức đã thành lập được Ban chỉ đạo biến đổi khí hậu (BĐKH) của Bộ Nông nghiệp & PTNT, thành lập được Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo. Về kết quả đã đánh giá tác động, xác định giải pháp, xây dựng và triển khai các KHHĐ ứng phó BĐKH đồng thời xây dựng các mô hình thí điểm ứng phó BĐKH. Trong đó, một số mô hình bước đầu đã mang lại kết quả khả quan như mô hình Canh tác lúa giảm phát thải nhà kính bằng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, với mô hình này đã giảm phát thải trung bình 21,5% - 27,3%, giảm chi phí, tăng thu nhập từ 14 – 22%. Mô hình tổng hợp quản lý và phát triển bền vững rừng ngập mặn phòng hộ ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Mô hình canh tác lúa theo SRI. Bên cạnh đó, các sáng kiến về các biện pháp tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa bao gồm quản lý nước tưới (tưới khô ẩm xen kẽ), quản lý rơm rạ (ủ hoai, bón than sinh học), quản lý phân chuồng (ủ hoai), quản lý phân đạm (tăng cường sử dụng phân đạm chậm tan) và sử dụng giống lúa ngắn ngày, lúa chất lượng cao cũng được trình bày tại hội thảo. Giai đoạn 2016 – 2020, các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu cho các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp & PTNT được thực hiện trên 7 lĩnh vực bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, diêm nghiệp và phát triển nông thôn với quan điểm lồng ghép và tận dụng mọi nguồn lực, phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để tăng cường các hoạt động ứng phó; Kết hợp thích ứng và giảm nhẹ để nâng cao hiệu quả ứng phó nhưng đảm bảo không gây xáo trộn lớn, đạt các mục tiêu phát triển ngành; Xuất phát từ yêu cầu thực tế, đáp ứng được nhu cầu của các địa phương, dễ thực hiện, phù hợp với trình độ, năng lực của cán bộ địa phương, nông dân./.