Đây là mô hình nằm trong khuôn khổ chương trình sự nghiệp của tỉnh năm 2015, được triển khai từ tháng 3 đến tháng 11/2015 với quy mô 1.200 con vịt giống/12 hộ, các hộ tham gia được hỗ trợ 100% con giống, 50% vật tư (thức ăn, vacxin), được tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật.
Hình: Bán trứng vịt cho thương lái
Đến nay sau 8 tháng triển khai, mô hình đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan. Trọng lượng vịt nuôi sống đến 8 tuần tuổi đạt 96%, tỷ lệ vịt chuyển lên giai đoạn đẻ 85%, tuổi vào đẻ là 21 tuần, trọng lượng trứng trung bình (giai đoạn đẻ 5%) là 68 gam/quả, ở giai đoạn đẻ 90% là 85 gam/quả. Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, với quy mô 150 con (cả trống lẫn mái), mỗi ngày đêm hộ thu được 360.000 đồng tiền bán trứng, sau khi trừ chi phí, lãi ròng còn lại là 200.000 đồng/ngày đêm. Trứng được người tiêu thụ, thu mua đến tận hộ đặt mua, luôn trong tình trạng cung luôn thấp hơn cầu. Về chất lượng trứng, các hộ tiêu thụ đánh giá trứng có tỷ lệ lòng đỏ lớn, ít tanh, thơm ngon. Hiện tại, do nhu cầu thị trường để phục vụ nguồn vịt thịt cho tết Nguyên đán 2016, các hộ bước đầu đã đưa vào ấp 700 trứng, lứa đầu tiên khoảng 100 con sẽ ra lò vào cuối tháng 11, tỷ lệ ấp nở ước đạt 83%/ tổng số trứng đưa vào ấp. Tại hội thảo các hộ tham gia mô hình đã chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng đàn vịt từ giai đoạn vịt con đến giai đoạn sinh sản, đặc biệt họ tỏ ra phấn khích trước kết quả mô hình đạt được. Các hộ ngoài mô hình quan tâm về vấn đề mua con giống, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng… Theo đánh giá của hội thảo, việc đưa vịt biển vào nuôi thành công tại Quảng Nam được xem như là giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục các nhược điểm của vịt nước ngọt nuôi tại các vùng nước lợ vào những tháng có độ mặn tăng cao (tháng 3 đến tháng 8) như vịt bị quăn lông, giảm sản lượng trứng, bị các bệnh đường ruột. Đồng thời giải quyết bài toán sinh kế cho các hộ vùng nước lợ, nước mặn, nơi mà độ mặn ngày càng tăng do tình trạng xâm nhập mặn, đưa thêm con giống mới vào bộ giống chăn nuôi, tăng cơ hội lựa chọn của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhà.
Hình: Con giống vịt biển
Kết thúc hội thảo, ông Võ Văn Nghi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Nam, chủ trì hội thảo nhấn mạnh: Bước đầu ghi nhận sự thành công của mô hình chăn nuôi vịt biển sinh sản, cần tiếp tục theo dõi ghi chép số liệu, đánh giá, rút ra quy trình chăn nuôi vịt biển phù hợp với điều kiện của Quảng Nam, đề nghị các địa phương cần nhân rộng mô hình trong thời gian đến. Liên kết với thương lái, sản xuất gắn liền với chuỗi giá trị. Người chăn nuôi cần tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, liên kết với nhau thành các tổ nhóm, câu lạc bộ chăn nuôi. Để nhân giống vịt biển, năm 2016 cần tiếp tục hỗ trợ máy ấp để tạo con giống cung ứng cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh./.