Trong những năm qua, nhiều mô hình hiệu quả do đơn vị triển khai được nhân rộng và có sức lan tỏa nhanh, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trong những năm qua, mỗi cán bộ khuyến nông của Trạm KNKL thị xã Điện Bàn luôn tăng cường vai trò trách nhiệm của mình, cùng nông dân tham gia vào các hoạt động sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Kết quả, nhiều mô hình giúp giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế; tăng thu nhập cho người nông dân. Có thể kể đến mô hình 3 giảm 3 tăng kết hợp công cụ sạ hàng, mô hình cánh đồng lớn, hạch toán cuối vụ, cho thu lãi 27,1 triệu đồng/ha, cao hơn 1,3 lần so với sản xuất lúa đại trà. Từ kết quả này, Ủy ban Nhân dân thị xã đã hỗ trợ hàng trăm công cụ sạ hàng cho các địa phương, đặc biệt là các xã nông thôn mới. Hiện nay, mô hình có sức lan tỏa nhanh, diện tích lúa canh tác theo phương pháp này được mở rộng với 837,7 ha được áp dụng. Mô hình“Trồng măng tây xanh an toàn” được triển khai trong năm 2014 trên diện tích 2.500m2 tại phường Điện Dương, ước tính thu lợi nhuận 960 triệu đồng/ha/năm, góp phần đa dạng hóa cây trồng trên địa bàn thị xã nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.
Chương trình cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò, chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò, trong 05 năm đã cấp phát 20.842 liều tinh nhóm máu ngoại chất lượng cao cho các hộ chăn nuôi. Hiện nay, Điện Bàn có khoảng 17 nghìn con bò, trong đó tỷ lệ bò lai chiếm trên 75% tổng đàn. Mô hình nuôi cá điêu hồng theo phương thức bán thâm canh với tổng số 104 hộ nuôi toàn thị xã, hiện cá điêu hồng được người dân coi là đối tượng chính trong quá trình nuôi ghép.
Nhiều mô hình giúp người nông dân thay đổi tư duy và thói quen canh tác cũ, giảm được tác hại đối với sức khỏe con người và môi trường sống, làm cho môi trường nông thôn sạch đẹp hơn như:“Ứng dụng phân hữu cơ vi sinh đẩy mạnh thâm canh trên đồng ruộng, “Xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bể biogas composite”, "Sử dụng chế phẩm sinh học quản lý môi trường ao nuôi ghép cá nước ngọt”....
Bên cạnh đó, để tạo sự chuyển biến lớn trong việc chuyển tải thông tin đến nông dân, Trạm KNKL Điện Bàn luôn quan tâm đầu tư các trang thiết bị phục vụ thông tin tuyên truyền như: máy chiếu, máy tính, máy ảnh, máy quay phim... Tổ chức 110 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân với trên 6.500 học viên tham dự; 45 buổi hội thảo đầu bờ. Hằng năm, phối hợp với Đài truyền thanh truyền hình thị xã xây dựng “Chuyên mục khuyến nông”, phối hợp với đài truyền hình Quảng Nam, Đài truyền hình Đà Nẵng thực hiện nhiều phim tư liệu phục vụ cho công tác tập huấn chuyển giao và tuyên tuyền các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân.
Tham mưu cho Thị ủy, HĐND và UBND thị xã trong nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới với Đề án “Phát triển nông nghiệp Điện Bàn theo hướng bền vững giai đoạn 2014 - 2020”. Đặc biệt, trong những năm qua, Trạm KNKL Điện Bàn sớm hình thành các hoạt động dịch vụ khuyến nông gắn với các nhiệm vụ chính trị đáp ứng nhu cầu thực tiễn của nông dân, như dịch vụ lắp đặt bể biogas composite, cung ứng vật tư biogas; dịch vụ tinh nitơ; dịch vụ cung cấp phân sinh học Wehg; dịch vụ cung ứng giống và các vật tư nông nghiệp khác khi có yêu cầu như giống cỏ, công cụ sạ hàng... Bên cạnh đó, dịch vụ khoa học kỹ thuật được triển khai dưới hình thức hợp đồng trình diễn giống mới, phân bón, thức ăn gia súc và tham gia các dự án khác với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài thị xã.
Trạm KNKL Thị xã Điện Bàn được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết công tác Khuyến nông toàn quốc và tuyên dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2011 - 2015, diễn ra tại tỉnh Vĩnh Phúc (ngày 10/11/2015), ông Phạm Thành Chung - Trạm trưởng Trạm KNKL thị xã Điện Bàn cho biết, hiện nay, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ để phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới vào cuối năm 2015. Để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trong tình hình đô thị hoá, góp phần xây dựng nông thôn mới, đặc biệt nâng cao tiêu chí về thu nhập cho người nông dân trên địa bàn, Trạm KNKL thị xã Điện Bàn luôn xác định phương pháp chuyển giao cần phải được đổi mới theo hướng hiện đại, có sự tham gia của bà con nông dân. Do vậy, trong những năm tới, Trạm KNKL thị xã Điện Bàn sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu “Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững”, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động dịch vụ nhằm tư vấn đầy đủ, cặn kẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến bà con, giúp bà con nông dân áp dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất, nâng cao thu nhập.
Hải Đường