Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế và hướng tới nghề nuôi thủy sản vùng triều ổn định và bền vững, trong năm 2016 Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam phối hợp với các địa phương triển khai mô hình Nuôi tôm thẻ chân trắng - cá đối mục tại các ao nuôi của 9 hộ thuộc 3 xã: Duy Thành (huyện Duy Xuyên), Bình Nam (huyện Thăng Bình) và Tam Thanh (TP. Tam Kỳ).
Mô hình được triển khai với quy mô 1,9 ha, mật độ thả nuôi đối với tôm thẻ chân trắng là 40 con/m2, cá đối mục 1 con/m2. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn, kinh phí còn lại do các hộ tự đầu tư. Ngoài ra, các hộ tham gia còn được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong suốt quá trình trình thực hiện mô hình.
Sau gần 3 tháng nuôi, mô hình bước đầu đã cho kết quả rất khả quan: Hầu hết tôm và cá của các hộ đều phát triển ổn định, đến nay đang thu hoạch tôm, với trọng lượng đạt 10-12gam/con (cỡ tôm 85-100 con/kg), dự kiến tỷ lệ sống đạt trên 70%, năng suất đạt trên 3 tấn/ha. Với giá bán trung bình 110.000 đồng/kg thì doanh thu đạt 330-360 triệu đồng/ha và hiệu quả mô hình bước đầu thu lãi trên 200 triệu đồng (120-150 triệu đồng/ha).
Ông Lê Thành Dương, chủ hộ thực hiện mô hình tại thôn Vịnh Giang, xã Bình Nam cho biết: Mô hình nuôi ghép này là mô hình rất mới tại địa phương, tôm cho lãi trên 40 triệu đồng/3000 m2 là lãi tương đối khá so với các hộ nuôi chuyên tôm thẻ hiện nay, nhưng mặt được lớn nhất của mô hình nuôi này là nuôi rất ổn định, ít xảy ra bệnh trên tôm và an toàn cho người nuôi, dễ chăm sóc và đầu tư. Ngoài ra, hiện cá đối đang phát triển rất tốt, với trọng lượng trung bình 150g/con. Sau 2-3 tháng nữa cá đối đạt 500gam/con trở lên thì thu hoạch, hiệu quả mô hình này sẽ tăng hơn.
Theo đánh giá của các địa phương thực hiện mô hình, hiện nay tại các địa phương phần lớn những ao nuôi tôm kém hiệu quả, người nuôi thả tôm với mật độ cao và thường xuyên bị dịch bệnh. Trong khi đối với mô hình nuôi ghép này, tôm nuôi với mật độ thấp, thả ghép cá đối vào chúng sẽ ăn hết phần thức ăn dư thừa, phân tôm, mùn bã hữu cơ ở tầng đáy nên giảm được nguy cơ gây ô nhiễm và bệnh trên tôm nuôi. Ngoài ra, sự hoạt động của cá đối cũng giúp sự lưu chuyển nước ở tầng đáy tốt hơn, môi trường nuôi được ổn định hơn. Do đó, việc triển khai mô hình nuôi ghép này thành công nhằm mục đích góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, thay đổi thế độc canh con tôm có nhiều rủi ro do dịch bệnh, giúp người nuôi yên tâm hơn trong đầu tư, hướng đến nuôi thủy sản vùng triều an toàn và ổn định cho các địa phương trên toàn tỉnh trong những năm đến.