Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong 3 năm (2014-2016) Trung tâm đã xây dựng các mô hình khuyến ngư trên địa bàn tỉnh đã mang lại một số kết quả cao, nổi trội và được nhân rộng.
Trong lĩnh vực khai thác hải sản
Đã tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng máy dò ngang trên tàu khai thác hải sản xa bờ. Từ mô hình của Trung tâm xây dựng các năm trước, được ứng dụng trên tàu lưới vây rút chì, bình quân mỗi tàu khai thác được sản lượng từ 15- 20 tấn/chuyến, doanh thu cả tàu từ 400- 500 triệu đồng/chuyến (có chuyến đạt sản lượng trên 30 tấn, doanh thu 600- 800 triệu đồng), lãi ròng từ 200- 300 triệu đồng/chuyến, sản lượng và thu nhập của chủ tàu và lao động trên tàu tăng từ 1,6- 2,0 lần, có tàu tăng gấp 3 lần so với trước. Với hiệu quả đạt được, đến nay đã có 57 tàu tự bỏ vốn đầu tư lắp máy dò ngang phục vụ sản xuất và tiếp tục được nhân rộng.
Máy dò ngang trên tàu lưới vây khai thác hải sản xa bờ
Mô hình hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu Polyurethane (PU) nhằm ứng dụng công nghệ mới trong việc bảo quản sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm hải sản khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch... Thông qua mô hình hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU trên tàu thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá triển khai tại Quảng Nam trong 3 năm (2014-2015) cho thấy mô hình giúp tăng hiệu suất sử dụng nước đá đến 95% (so với hầm truyền thống khoảng 60- 70%). Tăng chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch. Sản phẩm hải sản đạt chất lượng tươi, giảm hao hụt sản phẩm xuống dưới 15%, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhờ được bảo quản tốt, khi vào bờ sản phẩm vẫn giữ được độ tươi ngon, không bị trầy xước, nên giá thu mua sản phẩm cao hơn so với trước từ 5.000- 10.000 đồng/kg, doanh thu mỗi chuyến biển tăng thêm từ 40- 50 triệu đồng trở lên. Từ hiệu quả mô hình đem lại, đến nay đã có 15 tàu đầu tư xây dựng hầm bảo quản theo công nghệ mới này, đặc biệt rất phù hợp và hiệu quả đối với các tàu đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Đối với lĩnh vực nuôi thủy sản
Với định hướng phát triển chung của ngành, nuôi cá lồng bè trong thời gian qua của tỉnh ta phát triển khá mạnh. Hiện nay, nuôi cá nước ngọt khoảng 470 lồng trong các hồ thủy lợi, thủy điện tại vùng trung du, miền núi và trên sông Tam Kỳ; sản lượng 1,5- 2,5 tấn/lồng/vụ tùy đối tượng nuôi (có thể nuôi 2 vụ/năm) và nuôi cá lồng trên sông nước mặn, lợ (cá mú, hồng, dìa, chẽm, bớp) 240 lồng, sản lượng khoảng 1,0 tấn/lồng; toàn tỉnh sản lượng cá lồng bè hàng năm khoảng trên 2.000 tấn. Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, thu lãi từ 30- 50 triệu đồng/lồng. Các đối tượng thủy sản đưa vào nuôi lồng bè cho năng suất, có giá trị kinh tế cao; sản phẩm nuôi lồng bè có chất lượng tốt, đảm bảo ATVSTP, được người tiêu dùng ưa chuộng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Tỉnh ta có lợi thế lớn, nếu biết khai thác tiềm năng diện tích mặt nước các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, các sông, đưa thêm đối tượng nuôi mới, đa dạng hóa đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá Lăng nha, leo, chình, một số đối tượng thủy sản mặn, lợ bên cạnh đối tượng chủ lực như cá Diêu hồng,... gắn với việc mở rộng thị trường tiêu thụ thì sẽ tạo được bước phát triển đột phá trong lĩnh vực nuôi thủy sản, dần tiến tới sản xuất hàng hóa.
Về nuôi thủy sản nước lợ, trước thực trạng diện tích nuôi tôm ở vùng triều bị ô nhiễm, thường xuyên xảy ra dịch bệnh, nên hàng trăm hecta bỏ trống vì nuôi không hiệu quả. Để có thể sử dụng có hiệu quả diện tích mặt nước vùng triều, hạn chế dịch bệnh xảy ra, trong những năm gần đây Trung tâm đã tập trung xây dựng các mô hình chuyển đổi các đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao, có khả năng thích nghi rộng như Cua, cá được đưa vào nuôi luân canh, xen canh trong các ao nuôi tôm nước lợ rất phù hợp, có hiệu quả về kinh tế và môi trường. Những đối tượng như Cua xanh, cá đối,... đưa vào nuôi có nhiều ưu việt. Bởi vì chúng thích nghi với các điều kiện ao nuôi hiện tại ở vùng triều, thời gian nuôi ngắn và tương đối dễ nuôi; chi phí vừa phải phù hợp với khả năng đầu tư của đa số hộ gia đình, thị trường tiêu thụ dễ dàng, đầu ra sản phẩm ổn định, giá bán cao, đem lại thu nhập khá cho người dân.
Ao ương nuôi cua bột lên cua thương phẩm ở vùng triều
Các mô hình nuôi Cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo và nuôi Tôm thẻ chân trắng- cá Đối mục trong ao nước lợ đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, thu lãi từ 130- 150 triệu đồng/ha, tăng 20- 25% so với sản xuất đại trà. Thành công của các mô hình nuôi thủy sản nước lợ trong 3 năm qua đã mở ra hướng mới, góp phần chuyển đổi, đa dạng hóa thêm được đối tượng nuôi mới, giúp việc sản xuất tăng được năng suất, tạo sản phẩm nuôi đa dạng, có chất lượng và giá trị; gắn kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển nuôi thủy sản nước lợ vùng triều an toàn dịch bệnh và môi trường.
Qua việc triển khai thực hiện các chương trình, mô hình khuyến ngư trên địa bàn tỉnh trong các năm gần đây đã giúp đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Các mô hình đều nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, góp phần đáng kể vào việc giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường và góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.