Green Orange Blue
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Quảng Nam
Người đăng: Văn Mai - Văn Nghi .Ngày đăng: 29/08/2018 08:53 .Lượt xem: 1624 lượt.
Phát triển một nền nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao được xem là chìa khóa quan trọng giúp nước ta đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn...

Phát triển một nền nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao được xem là chìa khóa quan trọng giúp nước ta đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế.

          Thời gian qua, Quảng Nam đã xây dựng thành công một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương trong tỉnh, sản phẩm đuộc đăng ký nhãn hiệu và dã tạo được thương hiệu trên thị trường. Các mô hình này đang được khuyến khích nhân rộng trong thực tế sản xuất. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu một số mô hình đã được triển khai cho hiệu quả cao trong các lính vực:

Trong lĩnh vực trồng trọt, tập trung đầu tư Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa, rau quả…

Mô hình “Ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới” để sản xuất rau quả gắn với xây dựng chuỗi liên kết để tạo ra giá trị sản phẩm cao nhất cho các hộ trồng rau trong vùng được triển khai thực hiện trong năm 2017, tại các phường thuộc vùng Đông của thị xã, gồm: Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Ngọc và Điện Dương.

          Sản xuất rau quả ứng dụng công nghệ cao tại Điện Bàn - Quảng Nam

          Mặc dù đây là mô hình mới, có chi phí đầu tư lớn nhưng đã nhận được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng nhiệt tình của các hộ nông dân tham gia sản xuất. Mô hình góp phần hoàn thành mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của UBND thị xã. Sau hơn 3 tháng đưa vào sản xuất thử nghiệm trên các đối tượng: rau cải lứa, cải con và xà lách tại các hộ cho thấy sản xuất rau trong nhà lưới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất đại trà. Thời gian thu hoạch ngắn (ngắn hơn so với trồng đại trà 5 ngày); sản xuất được rau, quả trái vụ, giúp tăng số lứa trong năm. Chi phí phân, thuốc thấp, giảm công lao động, tiết kiệm điện năng. Chất lượng sản phẩm tăng, giá bán tăng 20% so với đại trà, dễ tiêu thụ. Quá trình sản xuất được duy trì ổn định, có sản phẩm để cung cấp thường xuyên cho thị trường. Thu nhập gia tăng từ 36 - 48 triệu đồng/sào/năm (720 - 960 triệu đồng/ha) là nguồn thu nhập lớn, giúp hộ dân nhanh chóng thu hồi vốn để tái mở rộng quy mô sản xuất.

Từ kết quả bước đầu của mô hình và để nâng cao giá trị của sản phẩm được sản xuất trong nhà lưới, định hướng cho phát triển sản xuất trong thời gian đến của địa phương là tiếp tục nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa, rau quả ở các phường vùng Đông theo chuỗi giá trị. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, nhà sơ chế rau an toàn của HTXNN Điện Ngọc 1 để có cơ sở liên kết sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường. Nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất mới (trồng rau thủy canh; trồng rau, củ, quả trên giá thể; trồng rau quả hữu cơ) và các đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Đó là, đối với rau quả như: Dưa lê, dưa leo, cà chua, ớt, các loại rau ăn lá; đối với hoa, cây kiểng như: Hoa cúc giống, cúc chậu, hoa lyly, hoa lan cắt cành mokara, hoa lan chậu dendro, lan hồ điệp, mai kiểng, quật kiểng... 

       Mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương...

Từ thành công của các mô hình những năm trước, đến nay các địa phương tiếp tục duy trì và nhân rộng những mô hình nâng cao giá trị gia tăng từ 300 - 400 triệu đồng/ha gắn với sản xuất bền vững, xây dựng thương hiệu, kết hợp ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, tưới nhỏ giọt, nhà lưới, nhà kính, ứng dụng các chế phẩm sinh học để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ cho sản xuất đó là: Trồng hoa Lily, hoa đô thị, cây cảnh; Trồng thâm canh rau an toàn, theo hướng VietGAP, hữu cơ, trồng rau, củ, quả trên giá thể; sản xuất rau trái vụ. Trong đó, nổi trội là mô hình rau Trà Quế - Hội An, thu nhập trên 400 triệu đồng/ha, có thương hiệu hàng hóa, gắn với du lịch đô thị cổ. Đây là những mô hình góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi một số diện tích đất cát, đất màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác nhằm đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế và thu nhập cao hơn trên đơn vị diện tích, an toàn với môi trường sinh thái, phù hợp với nông nghiệp đô thị và ven đô thị, từng bước ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh vào sản xuất.

Ngoài ra, mô hình trồng Măng tây xanh đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm đa dạng hóa các sản phẩm rau màu trên địa bàn tỉnh, cung cấp cho thị trường một nguồn thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, đảm bảo an toàn chất lượng, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Mô hình được Trung tâm  Khuyến nông triển khai thực hiện từ năm 2014, kết quả mô hình tại Điện Bàn đã cho hiệu quả cao và năm 2017 được tiếp tục triển khai tại xã Tam Phú - Tam Kỳ và Cẩm Hà - Hội An, diện tích 1,0 ha. Mô hình Măng tây xanh an toàn gắn kết xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, với các cơ sở chế biến, tiêu thụ tại Điện Bàn (Tổ hợp tác sản xuất “Măng Tây xanh an toàn”) và Hội An giúp nâng cao giá trị gia tăng, cho lãi ròng đạt 900 triệu đồng/ha/năm - tính đến thời điểm năng suất măng ổn định từ năm thứ 2 - năm thứ 4. Từ kết quả của các năm trước, hiện nay mô hình được tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác như Tam Kỳ, Thăng Bình, Đại Lộc… với tổng diện tích trồng trên 8,0 ha.

 Về lâm sinh, điển hình có Mô hình trồng rừng thâm canh keo lai nuôi cấy mô

Mô hình được Trung tâm triển khai từ năm 2014 đến nay, qua theo dõi cho thấy mô hình này có hiệu quả khá cao. Nhờ sử dụng giống Keo lai nuôi cấy mô vào trồng thâm canh góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng. So sánh trồng rừng 4 năm để lấy nguyên liệu dăm thường người dân trồng với mật độ rất dày 3.300 - 4.000 cây/ha, trữ lượng cây đứng tối đa 100 m3/ha và bán cây đứng tại địa bàn thuận lợi giao thông và gần nhà máy (dưới 50km) khoảng 60 - 65 triệu đồng/ha. Trong lúc đó, cùng điều kiện lập địa, nếu trồng cây nuôi cấy mô lấy gỗ lớn với mật độ trồng ban đầu từ 1.650 - 2.000 cây/ha; trồng thâm canh năng suất tối đa đạt từ 20 - 25 m3/ha/năm. Sau 10 - 12 năm trồng dự kiến rừng sẽ đạt trữ lượng cây đứng tối thiểu trên 220m3, trong đó có trên 110m3 gỗ lớn và 45m3 gỗ dăm, theo giá bán gỗ rừng trồng hiện nay thì sẽ thu được trên 270 triệu đồng/ha. Mô hình vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân vùng trung du, miền núi, vừa góp phần vào việc bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là mô hình tiên tiến, vì vậy mô hình được tiếp tục nhân rộng ra toàn tỉnh trong thời gian đến.

Như vậy, có thể thấy mặc dù việc chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn phải kéo dài thời gian quản lý bảo vệ thêm khoảng từ 5 - 6 năm nhưng giá trị kinh tế mang lại cho người dân gấp 5 lần so với trồng rừng gỗ nguyên liệu như hiện nay. Ngoài ra, rừng keo lai gỗ lớn còn giúp giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng do đó giảm xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác.

Hiện nay, trong bối cảnh Chính phủ quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến là rất lớn. Vì vậy, triển khai mô hình Keo lai nuôi cấy mô trồng rừng thâm canh gỗ lớn là rất cần thiết, cần được triển khai rộng. Bên cạnh đó, trồng rừng thâm canh keo tai tượng giống mới phát triển rừng trồng sản xuất có năng suất cao, nâng cao tỷ lệ gỗ nguyên liệu cung ứng cho công nghiệp chế biến và sản xuất đồ gỗ (gỗ lớn) cũng rất cần thiết.

 Trong lĩnh vực khuyến ngư, Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong khai thác hải sản xa bờ được quan tâm đầu tư phát triển mạnh...

Một là, ứng dụng hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu Polyurethane (PU) trên tàu khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ

Nhằm ứng dụng công nghệ mới trong việc bảo quản sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm hải sản khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch. Thông qua mô hình hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU trên tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá triển khai tại Quảng Nam trong 4 năm (2013 - 2016) cho thấy mô hình giúp tăng hiệu suất sử dụng nước đá đến 95% (so với hầm truyền thống khoảng 60 - 70%). Tăng chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, sản phẩm hải sản đạt chất lượng tươi, giảm hao hụt sản phẩm xuống dưới 15%, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhờ được bảo quản tốt, khi vào bờ sản phẩm vẫn giữ được độ tươi ngon, không bị trầy xước, nên giá thu mua sản phẩm cao hơn so với trước. Giúp tăng hiệu quả kinh tế hơn 150% và giảm 25% chi phí nhiên liệu. Từ hiệu quả mô hình đem lại, đến nay đã có trên 65 tàu đầu tư xây dựng hầm bảo quản theo công nghệ mới này, đặc biệt rất phù hợp và hiệu quả đối với các tàu đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.

- Hai là, ứng dụng đèn LED và SOLAR trên tàu khai thác hải sản xa bờ

Trong 2 năm (2017 - 2018), Trung tâm triển khai thực hiện mô hình Ứng dụng đèn LED trên tàu lưới vây khai thác hải sản xa bờ và Ứng dụng đèn LED và SOLAR trên tàu chụp mực 4 tăng gông, nhằm giúp ngư dân Quảng Nam vừa có điều kiện tiếp cận với công nghệ mới, tiên tiến, giúp nâng cao hiệu quả khai thác nhờ giảm thiểu chi phí nhiên liệu là nhu cầu cấp thiết của ngư dân trong hoạt động nghề khai thác hải sản xa bờ hiện nay. Việc ứng dụng đèn LED trên tàu khai thác hải sản xa bờ đã giúp ngư dân giảm hao phí nhiên liệu, tiết kiện kinh phí mua bóng đèn nhờ tuổi thọ đèn cao, giảm chi phí chuyến biển, tăng sản lượng khai thác, nâng cao thu nhập cho người dân. Giảm phát thải khí CO2 gây ra hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường và an toàn trong sản xuất. Tuy đây là những mô hình mới song kết quả bước đầu đem lại khá khả quan, qua kết quả thực hiện mô hình cho thấy đèn LED có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các loại đèn truyền thống trong khai thác hải sản, được ngư dân rất ưa chuộng và có nhu cầu được sử dụng loại đèn này để thay thế các loại đèn đã sử dụng trên tàu từ trước đến nay. Vì vậy, mô hình này có khả năng nhân rộng, ứng dụng trong những năm đến tại các địa phương ven biển tỉnh Quảng Nam.

 

           Tàu chụp mực 4 tăng gông được trang bị công nghệ hiện đại để đánh bắt xa bờ

          - Ba là, lắp đặt máy dò ngang  trên tàu khai thác hải sản xa bờ

Trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đã tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng máy dò ngang trên tàu khai thác hải sản xa bờ. Từ mô hình được xây dựng những năm trước đây, được ứng dụng trên tàu lưới vây, giúp tàu vươn khơi, mở rộng ngư trường khai thác, tăng thời gian bám biển nhằm tăng sản lượng khai thác và hiệu quả kinh tế. Bình quân mỗi tàu khai thác được sản lượng từ 15 - 20 tấn/chuyến, doanh thu cả tàu từ 400 - 500 triệu đồng/chuyến (có chuyến đạt sản lượng trên 30 tấn, doanh thu 600 - 800 triệu đồng), lãi ròng từ 200 - 300 triệu đồng/chuyến, thu nhập của chủ tàu và lao động trên tàu tăng từ 1,6 - 2,0 lần, có tàu tăng gấp 3 lần so với trước; trong đó, lợi nhuận của chủ tàu là 50% lãi ròng, thu nhập bình quân mỗi lao động từ 80 - 120 triệu đồng/năm. Với hiệu quả đạt được, đến nay đã có hơn 60 tàu tự bỏ vốn đầu tư lắp máy dò ngang phục vụ sản xuất và tiếp tục được nhân rộng.

 Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã có bước chuyển mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi có quy mô lớn hơn (gia trại, trang trại), trên địa bàn tỉnh hiện có 153 trang trại chăn nuôi, 68 cơ sở chăn nuôi gia công, 01 Hợp tác xã, 05 Tổ hợp tác. Có 08 cơ sở chăn nuôi (07 cơ sở chăn nuôi lợn và 01 cơ sở chăn nuôi gà) được công nhận phù hợp với quy trình thực hành chăn nuôi tốt tại Việt Nam (VietGAHP). Hiện nay, với trên 60 cơ sở liên kết, liên doanh, chủ yếu với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP và Công ty TNHH Thái Việt và có trên 40 doanh nghiệp đã và đang nghiên cứu, xúc tiến đầu tư chăn nuôi thông qua các dự án đầu tư, chủ yếu chăn nuôi lợn và bò. Thông qua các mô hình, dự án chăn nuôi này, các công nghệ tiên tiến, công nghệ nghệ cao và công nghệ sinh học từng bước được ứng dụng như hệ thống làm lạnh, hệ thống máng ăn, uống tự động, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải và sử dụng vào thành phần thức ăn phòng bệnh cho vật nuôi. Các cơ sở chăn nuôi này hàng năm đem lại doanh thu khá lớn, từ 500 triệu đến tỷ đồng trở lên.


Nuôi heo sạch bằng công nghệ chuồng lạnh tại huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) 
Nguồn tin: Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Trung tâm Khuyến nông tập huấn chuyển giao KHKT cho cán bộ nông nghiệp tỉnh Sê Koong-Lào
Nghị định về Nông nghiệp hữu cơ đã được ban hành
Khai mạc Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VIII
Nông trường thông minh trong lòng VinEco Nam Hội An
Nông Sơn: Mô hình nuôi gà ta thả vườn kết hợp chế biến thức ăn tại chỗ cho hiệu quả cao
Công điện của Thủ tướng: Tập trung ứng phó với bão số 9 và mưa lũ
Quảng Nam tham gia thành công triển lãm Quốc gia thành tựu 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 - Khóa X về " Nông nghiệp - Nông dân- Nông thôn"
Công điện số 58/CĐ-TW hồi 12h00 ngày 09/12/2018 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TWPCTT
Cập nhật: Tin không khí lạnh tăng cường - Cảnh báo lũ
Tăng gấp đôi mức vay theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Qũy Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam: Cùng ngư dân vươn khơi, bám biển
Nhật ký Hoàng Sa: Lao về “tọa độ nóng”
Sản xuất thành công cua giống bằng thức ăn công nghiệp
Quy hoạch xuất khẩu hồ tiêu phấn đấu mức kim ngạch 1,2 tỷ USD
Nông sản Việt tìm thị trường ở châu Phi
Các bài thuốc chữa Áp huyết thấp
Sự kiện: Bí quyết sống khỏe
Tình hình và triển vọng sản lượng và xuất khẩu cao su Việt Nam
Một số nội dung cơ bản của Nghị định 67/2014/NĐ-CP
Phát hiện gấu ngựa ở Quảng Nam
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    






Liên kết Web

Chuyên đề khuyến nông


    Lượt truy cập

    Tổng số lượt truy cập

    00006757297

    Lượt trong ngày 5355
    Hôm qua: 3662
    Năm trước: 1432689
    Số người đang Online: 105
    Tổng số 6757297