Green Orange Blue
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ ở Quảng Nam-Thực trạng và giải pháp
Người đăng: Võ Văn Nghi .Ngày đăng: 13/09/2018 17:15 .Lượt xem: 1172 lượt.
Để nâng cao đời sống cho cư dân nông thôn cần phải tập trung đầu tư, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản. Trong đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), nông nghiệp an toàn có giá trị cao là một trong những lựa chọn cần thiết.

 Đặc điểm tình hình chung

Quảng Nam là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên là 10.438,37 km2, diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp 846.453 ha chiếm 81,09%, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 115.542 ha (chiếm 11,07% đất tự nhiên). Tiềm năng đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp khá lớn, hệ sinh thái đa dạng và có các yếu tố tự nhiên tương đối thuận lợi, đây là những thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của Quảng Nam, trong đó thích hợp cho phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Thời gian qua, đi đôi với việc vận dụng các cơ chế chính sách hiện có của trung ương,Quảng Nam đã có nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp về: khuyến khích phát triển chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, dược liệu... đã tác động tích cực đến người dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời ứng dụng ngày càng nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng qua các năm và cao hơn mức trung bình cả nước. Năm 2017, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt 12.965 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó: nông nghiệp tăng 3,0 %; lâm nghiệp tăng 6,8%; thủy sản tăng 6,5%. Mặc dù hiện nay, giá trị ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng 11,6% tổng sản phẩm trên địa bàn nhưng lại chiếm 62% lao động và  76% dân số sống ở khu vực nông thôn. Vì vậy, hiện nay và trong tương lai gần để nâng cao năng đời sống cho cư dân nông thôn cần phải tập trung đầu tư, nhất là ứng dụng KHCN để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản. Trong đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), nông nghiệp an toàn có giá trị cao là một trong những lựa chọn cần thiết.

Hiện nay, các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy sản được hình thành và phát triển. Hàng năm, ngành Nông nghiệp Quảng Nam đã cung cấp cho thị trường trên 100 nghìn tấn sản phẩm thủy sản; trên 520 nghìn tấn cây lương thực có hạt và 270 nghìn tấn rau đậu các loại; 60 nghìn tấn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm và có khoảng trên 3.000 cơ sở tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Cùng với đó, tỉnh cũng rất chú trọng đến phát triển các sản phẩm nông nghiệp an toàn theo chuỗi gắn với xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa mang đặc sắc riêng của Quảng Nam; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sinh học trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Một số mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả

Quảng Nam đã xây dựng thành công một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả tại các địa phương trong tỉnh, có nhãn hiệu và thương hiệu, tạo ra sản phẩm mang đặc sắc riêng và được ứng dụng nhân rộng vào sản xuất như:

- Lĩnh vực trồng trọt

Ứng dụng CNC trong sản xuất hạt giống F1 lúa, ngô:

- Từ năm 2000, Quảng Nam đã tiếp nhận KHCN từ các Viện, Trường, Doanh nghiệp sản xuất giống chuyển giao và tổ chức sản xuất thành công hạt lai F1 của lúa, ngô, trở thành một trong những địa phương đi trước và ứng dụng thành công.

- Sản xuất hạt F1 của các tổ hợp lai của lúa và ngô đòi hỏi áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ với trình độ cao. Tuy nhiên, qua tập huấn, đào tạo nông dân các vùng sản xuất tiếp nhận và áp dụng thành công. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất tăng lên nhiều lần so với sản xuất bình thường (hiệu quả tăng từ 30 -50%).

- Diện tích sản xuất hạt giống lúa F1 (cả tổ hợp lai 3 dòng và 2 dòng) hành năm 150 – 300 ha. Quảng Nam là một trong những địa phương có diện tích sản xuất hạt giống lúa F1 lớn nhất cả nước.

- Mô hình ng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa, rau.

a- Mô hình ứng dụng CNC đồng bộ: Hiện có nông trường VinEco Nam Hội An của Công ty VinEco (thuộc quần thể Vinpearl Nam Hội An của Tập đoàn Vingroup) không chỉ gây ấn tượng bởi kiến trúc độc đáo mà còn là 1 trong 15 nông trường được Vingroup đầu tư công nghệ canh tác thông minh bậc nhất, với những thiết bị, hạ tầng nông nghiệp, được chuyển giao 100% từ nước ngoài; công nghệ nhà kính điều khiển khí hậu (Pháp), công nghệ canh tác nhiều tầng (Singapore), công nghệ sản xuất nhà màng và công nghệ tưới thông minh (Israel), cho phép trồng rau quanh năm.

ngam sieu trang trai du lich nong nghiep 5 sao dau tien o viet nam hinh anh 2

   Hình: Mô hình trồng rau nhiều tầng (vertical farming) trong nhà Dome là mô hình canh tác hiện đại đang được áp dụng tại các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Úc, EU, Mỹ...

b- Ứng dụng CNC một phần:

 - Trong sản xuất hoa: Hoa Lyli, hoa lan cắt cành, hoa hồng, cúc…ở các địa phương như: Hội An, Tam Kỳ, Thăng Bình, Điện bàn, Duy Xuyên…đã thực hiện trên 15 năm nay, ứng dụng một phần CNC như: Giá thể, nhà lưới, nhà kính, tướng nhỏ giọt, phun mưa, sử dụng các chế phẩm sinh học trong ủ phân hữu cơ, phòng trừ sâu, bệnh hại.

- Mô hình “Ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới” để sản xuất rau quả gắn với xây dựng chuỗi liên kết để tạo ra giá trị sản phẩm cao nhất cho các hộ trồng rau trong vùng được triển khai thực hiện trong năm 2017, tại các phường thuộc vùng Đông của thị xã, gồm: Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Ngọc và Điện Dương. Đã đầu tư xây dựng 4 công trình nhà lưới sau hơn 2 tháng thi công (Mỗi nhà lưới có diện tích 500m2, ứng dụng công nghệ nhà lưới kín). Mặc dù đây là mô hình mới, có chi phí đầu tư lớn nhưng sản xuất rau trong nhà lưới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất đại trà. Thời gian thu hoạch ngắn (ngắn hơn so với trồng đại trà 5 ngày); sản xuất được rau, quả trái vụ, giúp tăng số lứa trong năm. Chi phí phân, thuốc thấp, giảm công lao động, tiết kiệm điện năng. Chất lượng sản phẩm tăng, giá bán tăng 20% so với đại trà, dễ tiêu thụ. Quá trình sản xuất được duy trì ổn định, có sản phẩm để cung cấp thường xuyên cho thị trường. Thu nhập gia tăng từ 36 - 48 triệu đồng/sào/năm (720 - 960 triệu đồng/ha) là nguồn thu nhập lớn, giúp hộ dân nhanh chóng thu hồi vốn để tái mở rộng quy mô sản xuất.

Từ kết quả bước đầu của mô hình, hiện nay có nhiều dự án Khởi nghiệp sáng tạo của các bạn trẻ trong tỉnh đã xây dựng mô hình ứng dụng CNC (vẫn chưa đồng bộ) ở các địa phương: Điện Tiến- Điện Bàn, Tam Thành, Tam Đàn – Phú Ninh, Tam Xuân 2 – Núi Thành…Trồng rau trong dung dịch hồi quy, rau giá thể áp dụng hệ thống tưới nước kết hợp với bón phân, bán tự động; một vài mô hình bước đầu áp dụng hệ thống giám sát tự động kết nối internet…

- Ứng dụng CNC trong sản xuất cây giống

Quảng Nam đã tiếp nhận, nghiên cứu công nghệ nuôi cấy mô tế bào sản xuất thành công giống nuôi cấy mô các loại cây trồng như: Keo lai, Ba kích, sa nhân, chuối, hoa lan…phục vụ cho sản xuất.

- Nhờ sử dụng giống Keo lai nuôi cấy mô vào trồng thâm canh góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng. So sánh trồng rừng 4 năm để lấy nguyên liệu dăm thường người dân trồng với mật độ rất dày 3.300 - 4.000 cây/ha, trữ lượng cây đứng tối đa 100 m3/ha và bán cây đứng tại địa bàn thuận lợi giao thông và gần nhà máy (dưới 50km) khoảng 60 - 65 triệu đồng/ha. Trong lúc đó, cùng điều kiện lập địa, nếu trồng cây nuôi cấy mô lấy gỗ lớn với mật độ trồng ban đầu từ 1.650 - 2.000 cây/ha; trồng thâm canh năng suất tối đa đạt từ 20 - 25 m3/ha/năm. Sau 10 - 12 năm trồng dự kiến rừng sẽ đạt trữ lượng cây đứng tối thiểu trên 220m3, trong đó có trên 110m3 gỗ lớn và 45m3 gỗ dăm, theo giá bán gỗ rừng trồng hiện nay thì sẽ thu được trên 270 triệu đồng/ha. Mô hình vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân vùng trung du, miền núi, vừa góp phần vào việc bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Như vậy, có thể thấy mặc dù việc chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn phải kéo dài thời gian quản lý bảo vệ thêm khoảng từ 5 - 6 năm nhưng giá trị kinh tế mang lại cho người dân gấp 5 lần so với trồng rừng gỗ nguyên liệu như hiện nay. Ngoài ra, rừng keo lai gỗ lớn còn giúp giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng do đó giảm xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác.

- Lĩnh vực chăn nuôi

Đã có bước chuyển mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi có quy mô lớn hơn (gia trại, trang trại), trên địa bàn tỉnh hiện có 153 trang trại chăn nuôi, 68 cơ sở chăn nuôi gia công, 01 Hợp tác xã, 05 Tổ hợp tác. Có 08 cơ sở chăn nuôi (07 cơ sở chăn nuôi lợn và 01 cơ sở chăn nuôi gà) được công nhận phù hợp với quy trình thực hành chăn nuôi tốt tại Việt Nam (VietGAHP). Hiện nay, với trên 60 cơ sở liên kết, liên doanh, chủ yếu với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP và Công ty TNHH Thái Việt và có trên 40 doanh nghiệp đã và đang nghiên cứu, xúc tiến đầu tư chăn nuôi thông qua các dự án đầu tư, chủ yếu chăn nuôi lợn và bò. Thông qua các mô hình, dự án chăn nuôi này, các công nghệ tiên tiến, công nghệ nghệ cao và công nghệ sinh học từng bước được ứng dụng như hệ thống làm lạnh, hệ thống máng ăn, uống tự động, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải và sử dụng vào thành phần thức ăn phòng bệnh cho vật nuôi. Các cơ sở chăn nuôi này hàng năm đem lại doanh thu khá lớn, từ 500 triệu đến tỷ đồng trở lên.

- Lĩnh vực Thủy sản

- Ứng dụng công nghệ cao trong khai thác hải sản xa bờ

- Ứng dụng hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu Polyurethane (PU) trên tàu khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ  qua  4 năm (2013 - 2016) triển khai cho thấy mô hình giúp tăng hiệu suất sử dụng nước đá đến 95% (so với hầm truyền thống khoảng 60 - 70%). Tăng chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, sản phẩm hải sản đạt chất lượng tươi, giảm hao hụt sản phẩm xuống dưới 15%, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhờ được bảo quản tốt, khi vào bờ sản phẩm vẫn giữ được độ tươi ngon, không bị trầy xước, nên giá thu mua sản phẩm cao hơn so với trước. Giúp tăng hiệu quả kinh tế hơn 150% và giảm 25% chi phí nhiên liệu.

- Ứng dụng đèn LED và SOLAR trên tàu khai thác hải sản xa bờ Trong 2 năm (2017 - 2018), mô hình triển khai thực hiện trên tàu lưới vây khai thác hải sản xa bờ và Ứng dụng đèn LED và SOLAR trên tàu chụp mực 4 tăng gông. Hiệu quả mô hình: giảm hao phí nhiên liệu, tiết kiện kinh phí mua bóng đèn nhờ tuổi thọ đèn cao, giảm chi phí chuyến biển, tăng sản lượng khai thác, nâng cao thu nhập cho người dân. Giảm phát thải khí CO2 gây ra hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường và an toàn trong sản xuất.   - Máy dò ngang ứng dụng trên tàu khai thác hải sản xa bờ từ 2009 đến nay, thông qua mô hình khuyến nông, Quảng Nam đã tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng máy dò ngang trên tàu khai thác hải sản xa bờ. Được ứng dụng trên tàu lưới vây, giúp tàu vươn khơi, mở rộng ngư trường khai thác, tăng thời gian bám biển nhằm tăng sản lượng khai thác và hiệu quả kinh tế. Bình quân mỗi tàu khai thác được sản lượng từ 15 - 20 tấn/chuyến, doanh thu cả tàu từ 400 - 500 triệu đồng/chuyến (có chuyến đạt sản lượng trên 30 tấn, doanh thu 600 - 800 triệu đồng), lãi ròng từ 200 - 300 triệu đồng/chuyến, thu nhập của chủ tàu và lao động trên tàu tăng từ 1,6 - 2,0 lần, có tàu tăng gấp 3 lần so với trước; trong đó, lợi nhuận của chủ tàu là 50% lãi ròng, thu nhập bình quân mỗi lao động từ 80 - 120 triệu đồng/năm.

- Định hướng phát triển công nghệ cao trong thời gian đến

* Định hướng chung: Nông nghiệp CNC của tỉnh sẽ đi theo hai hướng song song. Một hướng thiên về nông nghiệp hữu cơ tạo những dòng sản phẩm cao cấp đáp ứng yêu cầu thị trường. Hướng thứ hai là tối ưu hóa các quy trình sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm trước hiện trạng đất đai nông nghiệp bị thu hẹp, nguồn lao động chuyển dịch nhiều qua các ngành nghề khác… Lĩnh vực nông nghiệp sinh thái trồng hoa, rau hữu cơ, việc đầu tư công nghệ ươm tạo nguồn giống thủy sản nước lợ chất lượng cao; nuôi biển CNC… vốn là lĩnh vực đang được tỉnh khuyến cáo và cũng là lĩnh vực được xác định là tiềm năng. Nông nghiệp CNC Quảng Nam đang đi theo hướng của Lâm Đồng. Bởi thành công của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Lâm Đồng, trong đó có Dalat GAP rất đáng để học tập. Dalat GAP chỉ với vùng sản xuất 5 - 6ha, nhưng tạo chuỗi cung ứng nông sản sạch vô cùng lớn, mỗi héc ta ước tính cho thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. “Trên thực tế, với nông nghiệp CNC, có thể trồng rau, củ quả trên giá thể, tận dụng tối đa diện tích nên không cần quá nhiều đất, tốn kém chi phí thuê đất. Quan trọng là vốn và công nghệ, chỉ cần giải quyết hai bài toán này, thì sẽ nắm nhiều cơ hội thành công” .

Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp lớn, đầu tư Nông nghiệp CNC đồng bộ như nông trường VinEco Nam Hội An đã đầu tư. NNCNC đồng bộ trên nhiều lĩnh vực như: Trồng rau, quả, hoa; nuôi biển (lồng hiện đại chịu được bão lớn); chăn nuôi chuồng kín, tự động hóa; sản xuất nấm (tự động hóa)…

- Trước mắt, Quảng Nam quy hoạch 1.000 - 1.500 ha ở vùng Đông của tỉnh để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sẵn sàng mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa. Đồng thời, quy hoạch về nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp... Đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, Quảng Nam đặc biệt chú trọng các hoạt động trồng và chế biến các loại nông sản, hoa quả, cây dược liệu; chăn nuôi và chế biến các sản phẩm gia súc, gia cầm; lĩnh vực nghiên cứu và phát triển ngành nông nghiệp. Quảng Nam đã và đang hình thành các vùng sản xuất với các loại nông sản có lợi thế để doanh nghiệp đầu tư liên kết như: Thủy sản (nuôi tôm, nuôi cá lồng bè), Chăn nuôi, Lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, gỗ chế biến phục vụ xuất khẩu, rau chuyên canh, ớt, dưa hấu...

            - Thứ hai, đối với vùng Tây của tỉnh, nơi có lợi thế về diện tích rừng, nhất là rừng tự nhiên lớn, các khu bảo tồn thiên nhiên, phát triển nông, lâm nghiệp, dược liệu theo hướng hữu cơ, bền vững kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm gắn với khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của các đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

            - Thứ ba, đối với vùng Trung du, tiếp tục cải tạo vườn tạp, phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch miệt vườn, khai thác cảnh quan vùng trung du hiện có như: Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn…

            - Thứ tư, tiếp tục xây dựng và phát triển các thương hiệu sẵn có của địa phương như: Sâm Ngọc Linh, Quế Trà My, Ba Kích Tây Giang, Đảng sâm Tây Giang, Tiêu Tiên Phước, Dó Trầm Quảng Nam, Bưởi trụ Đại Bình, Dưa hấu Kỳ Lý… Gắn với ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cho các loại nông sản này. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

            

Nguồn tin: Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Quảng Nam phấn đấu trở thành một trong những tỉnh mạnh về nông nghiệp sạch
Núi Chúa: Rừng tự nhiên xã Tam Trà
Hiệu quả mô hình sản xuất rau an toàn có hệ thống tưới phun năm 2018 tại Núi Thành
Hướng đi mới trong công tác trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Nam
Núi Thành: Niềm vui từ những vườn cau
Đa dạng hóa cây trồng trong vườn Cao su ở Tây Nguyên
Hội nghị công chức, viên chức và người lao động Trung tâm Khuyến nông Quảng nam năm 2019
Quảng Nam: Phát triển trồng rừng gỗ lớn
Quảng Nam: Hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn gần 600 tỷ đồng
Nếp bầu Tam Mỹ
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Quy hoạch sử dụng đất đến 2020 của Quảng Nam, Quảng Ngãi
Chương trình Hợp tác Quảng Nam - Sê Kông (Lào)
Bài thuốc chữa Áp huyết cao
KHUYẾN NÔNG QUẢNG NAM – 20 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
NFA mời Việt Nam đấu thầu 200.000 tấn gạo bổ sung
4 cách làm chậm lão hóa não
Những rau quả giúp bảo vệ gan
Cách chọn cua, ghẹ biển
Sử dụng thuốc tím trong xử lý nước
Cây bưởi trụ trên đất Tam Trà
    
1   2   3   4   5   6   7   8  
    






Liên kết Web

Chuyên đề khuyến nông


    Lượt truy cập

    Tổng số lượt truy cập

    00006752110

    Lượt trong ngày 168
    Hôm qua: 3662
    Năm trước: 1432689
    Số người đang Online: 53
    Tổng số 6752110