Green Orange Blue
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

Hiệu quả mô hình nuôi gà ta bằng thức ăn chế biến tại gia đình
Người đăng: Lê Thương .Ngày đăng: 27/02/2019 11:20 .Lượt xem: 1582 lượt.
Mô hình "Chăn nuôi gà ta thả vườn an toàn dịch bệnh kết hợp chế biến thức ăn tại chổ" triển khai trong năm 2018 tại 2 huyện Quế Sơn và Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) được xem là một trong những mô hình khuyến nông đem lại hiệu quả kinh tế và khả năng nhân rộng rất cao...

           Trong chăn nuôi gia súc - gia cầm nói chung, chi phí thức ăn luôn chiếm một tỷ lệ khá lớn trong tổng chi phí giá thành chăn nuôi (thường từ 60 - 70%). Chính vì vậy việc tổ chức một mô hình chăn nuôi mà làm sao đó kéo giảm được chi phí đầu tư thức ăn, tăng năng suất chất lượng sản phẩm và đặc biệt là hạ thành để đảm bảo giá bán cạnh tranh trên thị trường...là vấn đề luôn được người chăn nuôi quan tâm...

 

 Hộ chăn nuôi trong mô hình hướng dẫn đại biểu, nông dân vận hành máy nghiền, ép thức ăn

          Những năm gần đây, nhờ áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới như: Giống mới, thức ăn dinh dưỡng tiến bộ, qui trình chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh được quan tâm... nên chăn nuôi gà đã có bước phát triển nhanh và đem lại hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, xét một cách toàn diện thì chăn nuôi gia cầm, nhất là nuôi gà vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có tại địa phương, hiệu quả kinh tế vẫn chưa đem lại tối ưu cho người chăn nuôi. Một số nguyên nhân dẫn đến có thể nêu ra như: Công tác phòng bệnh chưa được người dân quan tâm đúng mức, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi chưa được chú trọng, chưa tận dụng các nguồn nguyên liệu, phụ phẩm nông nghiệp  dư thừa tại địa phương, việc sử dụng nông cụ để nghiền, ép tạo thức ăn viên…phục vụ chăn nuôi vẫn còn đang bỏ ngõ.

          Qua khảo sát thực tế tình hình chăn nuôi và ghi nhận nhu cầu của người dân tại các địa phương, năm 2018 Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp 2 huyện Quế Sơn và Nông Sơn triển khai thực hiện mô hình "Chăn nuôi gà ta thả vườn an toàn dịch bệnh kết hợp chế biến thức ăn tại chổ". Qui mô thực hiện tại 4 điểm, với 40 hộ dân tham gia, tổng số gà của hộ dân tham gia trong mô hình là trên 4.000 con. Phương thức đầu tư là Nhà nước chỉ hỗ trợ 50% kinh phí mua máy nghiền, ép thức ăn; 30% kinh phí mua nguyên liệu thức ăn, thuốc thú y và các vật tư liên quan khác... Hộ dân tham gia mô hình tự đầu tư con giống gà ta địa phương nuôi theo phương thức thả vườn có quản lý an toàn dịch bệnh và đối ứng kinh phí còn lại theo qui định của mô hình đồng thời chủ động nguồn nguyên liệu tại gia đình để phối trộn, chế biến thứ ăn nuôi gà theo qui trình hướng dẫn.

          Việc khảo sát chọn hộ tham gia mô hình được tiến hành công khai, dân chủ và đảm bảo các tiêu chí: Mỗi hộ nuôi ít nhất là 100 con gà; có đủ điều kiện về chuồng trại, khu chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường; chủ động nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương (lúa, sắn, bắp...) để chế biến thức ăn; hộ tham gia phải nhiệt tình, ham học hỏi và cam kết thực hiện đúng yêu cầu về kỹ thuật được ứng dụng trong mô hình. Trước khi nhập gà nuôi và nhận các vật tư thực hiện mô hình, tất cả các hộ được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và tham quan, khảo sát cơ sở chăn nuôi cũng như cung ứng máy nghiền, ép thức ăn.  TRong quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn cho nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật như: Kỹ thuật chuẩn bị chuồng úm, kỹ thuật úm, làm vắc xin cho gà, kỹ thuật vận hành máy nghiền ép chế biến thức ăn, cách pha trộn, chế biến thức ăn, cách phòng trị một số bệnh thường gặp trên gà...

          Công thức phối trộn nguyên liệu để nghiền, ép thức ăn được sử dụng trong mô hình thực hiện theo 2 hướng:

          * Công thức 1: Nuôi theo phương thức nhốt chuồng kết hợp bán chăn thả

Nguyên liệu

Tuần tuổi

0-4 tuần tuổi

5-8 tuần tuổi

>9 tuần tuổi

Ngô vàng (%)

45,5

56,5

68,0

Cám gạo (%)

20,5

13,5

5,8

Bột cá (đầu cá, đầu tôm...) (%)

12,0

8,0

4,0

Khô dầu lạc (%)

4,5

9,1

14,1

Bột đậu xanh (%)

17,0

12,5

7,4

Vitamin- khoáng (%)

0,5

0,5

0,7

          * Công thức 2: Nuôi theo phương thức thả vườn hoàn toàn

Nguyên liệu

Tuần tuổi

0-4 tuần tuổi

5-8 tuần tuổi

>9 tuần tuổi

Thóc (%)

0

46,5

40

Ngô vàng (%)

45,5

50

56,3

Cám gạo (%)

20,5

0

0

Bột cá (đầu cá, đầu tôm...) (%)

12

3

3

Khô dầu lạc (%)

4,5

0

0

Bột đậu xanh (%)

17

0

0

Premix khoáng (%)

0,5

0,5

0,7

 

          Với điều kiện là vùng trung du, miền núi việc bổ sung nguồn đạm bằng bột cá trong khẩu phần khá khó khăn nên hộ dân tham gia mô hình đã sáng kiến thay thế nguyên liệu này bằng việc bắt ốc bươu vàng sống trên đồng ruộng, rửa sạch, cho vào khối nguyên liệu và cho vào máy nghiền, ép thành thức ăn viên đảm bảo cân đối thành phần đạm động vật trong thức ăn thành phẩm. Việc làm này giải quyết được 2 vấn đề đó là chủ động thay thế bột cá khô (vừa đắt vừa khó mua) để giảm giá thành thức ăn, đồng thời góp phần hạn chế nạn ốc bươu vàng phá hoại đồng ruộng rất nặng tại 2 huyện này trong thời gian qua.            



Mô hình nuôi gà ta theo phương thức nhốt hoàn toàn trên nền

            Các biện pháp phòng bệnh đặc hiệu đã sử dụng bao gồm: Định kỳ thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng (sử dụng vôi bột hoặc nước vôi 10%, Benkocid, Han- Iodine 10%, Verkon, xông bồ kết, ...) nhằm tiêu diệt mầm bệnh và các nhân tố trung gian truyền bệnh; Sử dụng vắc xin tiêm phòng cho gà theo qui trình (đối với bệnh truyền nhiễm), dùng thuốc đặc hiệu tẩy (đối với bệnh do ký sinh trùng). 

          Sau 6 tháng theo dõi thực hiện mô hình, kết quả cho thấy con gà ta sinh trưởng khá tốt, khối lượng cơ thể tăng nhanh, lượng thức ăn tiêu tốn thấp (3,5 kg TĂ/kg tăng trọng), cho thấy khả năng sinh trưởng phát triển tốt và có tiềm năng về năng suất. Gà nuôi đến 18 tháng tuổi đạt trọng lượng bình quân 1,4 - 1,6 kg/con.

          Tình hình dịch bệnh trên đàn gà có xuất hiện nhưng không đáng kể, tỷ lệ bệnh thấp hơn so với các hộ ngoài mô hình trong cùng một thôn. Tỷ lệ hao hụt đến xuất chuồng được khống chế dưới 10% tổng đàn.

Tại hội thảo đầu chuồng ở huyện Nông Sơn, theo báo cáo của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp và ghi nhận của đại biểu, nông dân tham gia thì mặc dù tổng chi phí đầu tư của các hộ tham gia mô hình có tăng hơn so với nuôi đại trà xung quanh (do chi phí đầu tư mua máy nghiền, ép) khoảng 12 triệu đồng/2.000 con gà, nhưng tổng thu nhập và lãi ròng của mô hình vẫn cao hơn so với các hộ chăn nuôi ngoài mô hình, cụ thể:

          - Với tỷ lệ nuôi sống đến xuất bán là 90% thì mô hình cho tổng thu 270 triệu đồng/1.800 con gà (giá bán cao hơn,  bình quân 100.000 đồng/kg vì chất lượng thịt dai, da vàng, thơm ngon hơn so với gà ngoài mô hình). Trong khi đó gà nuôi của các hộ ngoài mô hình tỷ lệ sống trung bình là 85% thì cho tổng thu 217 triệu đồng/1.700 con gà (giá bán 85.000 đồng/kg vì chất lượng thịt mềm, không thơm và da không được màu vàng,..). Như vậy tổng thu của mô hình cao hơn gấp 1,25 lần so với ngoài mô hình.

          - Về lãi ròng, chăn nuôi trong mô hình cao gấp 3 lần so với các hộ chăn nuôi ngoài mô hình (45 triệu/15 triệu/2.000 gà) do giảm được chi phí thức ăn, thuốc điều trị bệnh và chênh lệch về giá bán. Một ý nghĩa lớn nữa là qua sử dụng máy nghiền, ép chế biến thức ăn từ nguồn nguyên liệu tại chổ giúp người chăn nuôi tiết kiệm được khoảng 27 triệu đồng/2.000 con gà về khoản tiền chi phí thức ăn (do giảm giá thức ăn từ 12.000đồng/kg xuống còn 7.000 đồng/kg thức ăn). Hơn nữa hộ nuôi kiểm soát được chất  lượng thức ăn, tránh lạm dụng thuốc kháng sinh và  tuyệt đối không dùng các chất cấm trong thức ăn, và mục đích cuối cùng là tạo nông sản sạch, an toàn   cho thị trường tiêu thụ...



Đại biểu, nông dân tham quan mô hình tại buổi hội thảo tỏng kết

          Mô hình Chăn nuôi gà ta thả vườn an toàn dịch bệnh kết hợp với chế biến thức ăn đã mang lại cho người chăn nuôi trong mô hình, cũng như các hộ lân cận thấy được sự cần thiết trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản suất. Mô hình vừa đem lại năng suất thu nhập cho người chăn nuôi, bên cạnh đó còn góp phần vào việc tiêu diệt ốc bươu vàng ở ngoài đồng ruộng, nâng cao giá trị nông sản sản xuất ra như: Bắp, lúa, khô dầu,…tận dụng để chế biến thức ăn chăn nuôi tại địa phương, giảm dần sự phụ thuộc hoàn toàn vào thức ăn công nghiệp

Ngoài việc giúp người dân tiếp cận và áp dụng những tiến bộ KHKT mới vào sản xuất, qua đó mô hình còn tạo chuyển biến mới trong nhận thức về lợi ích của việc tham gia sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa, liên kết trong cơ chế thị trường tự do đang chi phối giá trị thu nhập hiện nay.

Về yếu tố môi trường, mô hình đã  thực hiện quản lý dịch bệnh tốt, giảm việc sử dụng thuốc thú y với mục đích là ít ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người. Ngoài ra, việc sử dụng tận dụng thức ăn địa phương ốc bươu vàng, đầu cá ở chợ, bắp, lúa,….góp phần vào việc cân bằng sinh thái, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ mùa màng...

Nguồn tin: Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Cập nhật tình hình dịch tả lợn Châu Phi
Cần khai thác tối đa hiệu quả nuôi bò lai BBB
Lịch phát sóng chuyên mục "Các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi" trên QRT
Hội nghị chuyên đề nâng cao văn hóa, đạo đức công vụ và chất lượng cuộc vận động xây dựng người CBCCVC “ Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”
Các giải pháp phòng, chống nắng nóng cho gia súc, gia cầm
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Tập huấn Nghiệp vụ quản lý dự án Khuyến nông năm 2019
Cấp phát ngan giống thực hiện mô hình Chăn nuôi ngan địa phương sinh sản miền núi năm 2019
Công ty TNHH MTV Dệt Thần Kỳ: Hội nghị công bố Quyết định tăng vốn đầu tư và ký kết các hợp đồng hợp tác với các đơn vị.
Khai mạc lớp học hiện trường FFS về “Kỹ thuật thâm canh lúa tiên tiến”
Khẩn cấp có phương án bảo tồn Voọc Chà vá Chân xám tại Quảng Nam
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Qũy Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam: Cùng ngư dân vươn khơi, bám biển
Nhật ký Hoàng Sa: Lao về “tọa độ nóng”
Sản xuất thành công cua giống bằng thức ăn công nghiệp
Quy hoạch xuất khẩu hồ tiêu phấn đấu mức kim ngạch 1,2 tỷ USD
Nông sản Việt tìm thị trường ở châu Phi
Các bài thuốc chữa Áp huyết thấp
Sự kiện: Bí quyết sống khỏe
Tình hình và triển vọng sản lượng và xuất khẩu cao su Việt Nam
Một số nội dung cơ bản của Nghị định 67/2014/NĐ-CP
Phát hiện gấu ngựa ở Quảng Nam
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    






Liên kết Web

Chuyên đề khuyến nông


    Lượt truy cập

    Tổng số lượt truy cập

    00006758354

    Lượt trong ngày 6411
    Hôm qua: 3662
    Năm trước: 1432689
    Số người đang Online: 114
    Tổng số 6758354