Green Orange Blue
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CAM - QUÝT
Người đăng: Phan Đăng Danh .Ngày đăng: 23/10/2020 15:29 .Lượt xem: 2016 lượt.
Vài năm trở lại đây, cây ăn quả có múi đang dần khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thiết thực vào mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Xác định để phát triển bền vững cây ăn quả có múi theo chuỗi giá trị, thì việc tiên quyết là phải kết nối được các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia.

I. YÊU CẦU SINH THÁI

- Cây có múi cam, quýt: Phát triển được ở nhiệt độ từ 16 - 38oC, thích hợp nhất từ 24 - 30oC.

             - Về lượng mưa: Lượng mưa thích hợp khoảng từ 1.000 - 2.000 mm/năm và phân bố đều trong năm.

- Ánh sáng: Cam, quýt thích hợp ánh sáng tán xạ, không thích ánh sáng trực tiếp.

- Đất đai: Đất có tầng đất canh tác sâu từ 0,5-1m, thoát nước tốt, đất màu mỡ, độ pH từ 5 - 7 là thích hợp.

Hình ảnh: Quýt trồng ở xã Tiên Thọ huyện Tiên Phước


    II. GIỚI THIỆU VỀ GIỐNG

1. Giống cam

1.1. Cam Sành

Cam sành quả dạng tròn dẹp, thịt trái nhiều nước, dẻo, hương vị chua ngọt, khi chín có màu vàng, nhiều hạt (10-15 hạt/trái) trọng lượng trung bình 200-250gam/quả.

1.2. Cam Mật

Quả hình tròn, vỏ dày 3-4 mm, có màu xanh đến xanh vàng, thịt trái màu vàng cam, ngọt đậm đà, nhiều nước, có nhiều hạt hơn cam sành (15-20 hạt/quả).

1.3. Cam Đường canh

Quả hình cầu hơi dẹp, vỏ mỏng, nhẵn, ít túi dầu tinh, khi chín có màu đỏ gấc; giống chín sớm có màu vàng đa số chín vào trước tết Nguyên đán 1 tháng. Thịt quả mọng nước, ít  hạt vách múi hơi dai, ít xơ bã, ngọt mát nếu là giống chín muộn, giống chín sớm có vị ngọt đậm.

1.4. Cam Bù

Quả hình cầu, vỏ dày và mọng nước, lúc chín vỏ màu da cam rất đẹp. Mùi của cam rất thơm và hấp dẫn với mùi đặc trưng của vỏ cam. Trọng lượng trung bình mỗi từ 250 - 300g/quả.

1.5. Cam Chanh

Quả cam chanh ngọt, thơm ngon, khi trái chín có màu vàng tươi rất thơm, và có khối lượng bình quân từ 8-10 quả/kg, khi chín quả có màu vàng tươi nhẵn, có mùi thơm đặc trưng vị cam và ngọt sắc.

1.6. Cam Vinh

Quả Cam Vinh thường có màu vàng cam, quả cam không đồng đều về màu sắc. Nhất là những quả cam chín nó cũng không chín đều toàn quả, mà dưới quả chín trước, trên cuống màu nhạt hơn. Vỏ Cam Vinh hơi sần sùi và cũng có nhiều vết nhám, rám nắng. Khi ăn vị ngọt Cam Vinh có thêm vị mát, chua nhẹ. Quả dễ bảo quản và bảo quản được lâu trên cây, trung bình từ 190 - 250 gam/quả.

2. Giống quýt

2.1. Quýt tiều (Quýt hồng)

Quả Quýt Tiều có dáng hình cầu, hai đầu dẹp, hơi lõm và có lớp vỏ màu hồng cam, có từ 6-10 múi, mỗi múi có 1-4 hạt, vỏ mỏng, ruột đỏ, ít hạt, đặc biệt với vị ngọt và mọng nước, hạt nhiều (12-15 hạt/quả). Trọng lượng quả trung bình 140-190 gam/quả.

2.2. Quýt đường

Dạng quả hình cầu, vỏ mỏng (dày 2mm) màu xanh đến xanh vàng, vỏ dễ bóc, thịt trái màu cam, ngọt đậm quả nhiều nước, hạt nhiều (7-11 hạt/trái), trọng lượng trái trung bình 123-200gam/quả.

2.3. Quýt Thái Lan

Dạng quả hình cầu, hơi dẹp hai đầu, vỏ sần, màu sắc trái xanh vàng, thịt trái màu cam, mềm, nhiều nước, thơm ngon, ít hạt, trọng lượng trung bình 250gam/quả.



Hình ảnh: Quýt trồng ở xã Tiên Thọ huyện Tiên Phước 

III. KỸ THUẬT CANH TÁC

1. Phương pháp nhân giống

Có 2 phương pháp chính thông dụng hiện nay là:

1.1.Chiết cành

Chọn cây mẹ có năng suất cao, ổn định, không có triệu chứng bệnh greening hoặc phytophthora sp (quan sát bằng mắt). Chọn cành bánh tẻ (không già, không non), sinh trưởng tốt.

1.2. Ghép mắt

+ Gieo gốc ghép (hạt) khoảng 10-12 tháng có đường kính 1cm là tiến hành ghép được. Gốc ghép phải mọc thẳng, không dị dạng và sâu bệnh (hạt giống làm gốc ghép có thể là cam mật, cam 3 lá, volkameriana, citrange carrizo, quýt Cleopatra,…).

+ Chọn cành ghép: Chọn cây mẹ tốt, tương đối sạch bệnh, chọn cành phải là còn non (6-12 tháng tuổi), sau đó tách mắt ghép có kích thước vừa nhỏ hơn miệng ghép, chú ý không để mắt ghép bị dơ, dập bể.

Hiện nay, cam quýt thường được nhân giống bằng 2 phương pháp trên. Tuy nhiên một số bệnh như: Tristeza, greening, virus đều lây lan qua mắt ghép, cành chiết. Vì vậy, để cây giống được sạch bệnh và khỏe mạnh chúng ta cần phải sản xuất cây giống bằng phương pháp vi ghép đỉnh sinh trưởng (shoot tip-grafting).

Phương pháp Vi ghép:

Là một kỹ thuật đòi hỏi sự chính xác, trong đó mắt ghép và gốc ghép đều được nhân lên trong ống nghiệm và thực hiện trong điều kiện vô trùng.

Sử dụng vi ghép cây con sau khi vi ghép hoàn toàn sạch bệnh.

2. Kỹ thuật trồng

2.1. Thời vụ

Có thể trồng quanh năm, nếu trồng trong mùa nắng phải đảm bảo chế độ tưới nước, thông thường ở Quảng Nam trồng vào tháng 2 - 4 hoặc tháng 8 - 9 dương lịch là tốt nhất.

2.2. Mật độ trồng

Mật độ Cam 625 cây/ha, khoảng cách hàng cách hàng 4 mét, cây cách cây 4 mét.

Mật độ Quýt 500 cây/ha, khoảng cách hàng cách hàng 5 mét, cây cách cây 4 mét.

2.3. Trồng cây chắn gió, che mát

Chắn gió có thể trồng xung quanh vườn, chú ý hướng gió chính, có thể trồng cây tai tượng, keo lá tràm, keo lai. Trồng cây che bóng vì cây cam quýt thích hợp ánh sáng tán xạ, có thể trồng muồng đen, so đũa v.v... ở giữa các hàng cây.

2.4. Làm cỏ, tủ gốc

Làm sạch cỏ để cỏ không tranh chấp dinh dưỡng với cây chính, sau đó để tủ đất giữ ẩm bởi vì đa số rễ của cam quýt mọc cạn.

2.5. Bón phân

Phân chuồng hoai mục trước khi trồng 10 - 15 kg/hố. Sau khi trồng cứ 3 tháng tưới 1 lần phân Urê pha nước (pha 40 gam phân trong thùng 8 lít nước).

Đối với diện tích thời kỳ kiến thiết cơ bản cần ngắt bỏ quả và bón phân lần 2 vào tháng 5 - 6 để bón thúc lộc hè, cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây phát triển bộ khung, tán với lượng phân tính cho 10 cây như sau:

- Cây 1-2 năm: 0,6 - 0,8 kg đạm ure + 1,0 - 1,2 kg kali clorua.

- Cây 3-4 năm: 0,9 - 1,2 kg đạm ure + 1,2 - 1,6 kg kali clorua.

Đối với diện tích thời kỳ kinh doanh (cây từ 5 - 6 năm trở lên): Bón lần 2 vào tháng 5 - 6 để thúc lộc hè, cung cấp thêm dinh dưỡng cho quả với lượng phân tính cho 10 cây như sau: 1,8 - 2,4 kg đạm ure + 2,4 - 3,2 kg kali clorua cho; ngoài ra có thể bón bổ sung các loại phân vi lượng qua lá để nâng cao chất lượng quả và căn cứ vào năng suất quả của vụ trước mà điều chỉnh lượng phân bón phù hợp cho từng cây.

Bón phân lần 3 vào tháng 8 - 9 nhằm thúc lộc thu và cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây, cho quả với lượng phân bón như lần 2.

* Cách bón:

Dùng cuốc đào rãnh hoặc cuốc hố theo mép ngoài hình chiếu tán cây, rãnh sâu 20-25 cm, rộng 15-20 cm (tuỳ lượng phân bón), trộn đều các loại phân bón, bón vào rãnh và tiến hành lấp đất lại.

IV. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH

1. SÂU HẠI

1.1. Sâu vè bùa: Sâu đục dưới lớp biểu bì lá thành những đường ngoằn ngoèo. Sự phá hại của sâu làm cho lá co cúm, quăn queo, hạn chế quang hợp. Ngoài ra, các vết thương do sâu to nên trên lá, chồi tạo điều kiện cho bệnh loét phát triển.

Biện pháp phòng trừ: Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, thúc cho các đợt ra lộc tập trung, chóng thành thục có thể hạn chế được phá hại của sâu.

Bệnh nặng dùng các loại thuốc hoá học có tác dụng nội hấp để phun phòng trừ cho cam, quýt

1.2.  Rầy mềm: Thường chích hút nhựa ở đầu ngọn làm chồi và lá non không phát triển được, co rúm lại, đồng thời phân của chúng thải ra tạo điều kiện cho nấm bồ hóng cộng sinh và phát triển. Rầy mềm còn là môi giới truyền bệnh Tristeza trên cây có múi.

* Phòng trị: Phun thuốc phòng trừ rầy rệp trên cam, quýt vào các đợt lộc của cây.

1.3.  Rầy chổng cánh

* Tác hại của rầy chổng cánh

-  Là côn trùng truyền bệnh vàng lá greening trên cam, quýt.

- Trực tiếp gây hại bằng cách chích hút trên đọt non, làm đọt non bị chết.

- Gây hại trên tất cả các cây họ cam quýt như:

+ Cam: Cam mật, cam dây, cam sành, cam canh…

+ Quýt: Quýt đường, quýt tiều,…

+ Bưởi: Bưởi năm roi, Bưởi long, bưởi da xanh,…

+ Chanh: Chanh giấy, chanh tàu,…

- Di chuyển từ nơi này đến nơi khác chủ yếu nhờ gió

- Bị hấp dẫn bởi màu vàng và vàng nâu.

- Xuất hiện nhiều vào lúc cây ra đọt non.

*/  Thiên địch của rầy chổng cánh

Rầy chổng cánh có thể bị hại bởi một số thiên địch ngoài tự nhiên như bọ rùa, ong ký sinh và nấm.

*  Phòng trừ rầy chổng cánh

- Không nên trồng các cây kiểng họ cam quýt gần vườn cam quýt, vườn ươm sản xuất cây giống.

- Trồng cây chắn gió xung quanh vườn để ngăn chặn rầy từ nơi khác bay đến.

- Cắt tỉa cành, điều khiển các đợt ra đọt non tập trung để xịt thuốc trừ rầy

- Thường xuyên thăm vườn để phát hiện ấu trùng và rầy trưởng thành để tiêu diệt kịp thời, nhất là những giai đoạn cây ra đọt non hoặc sau những cơn giông lớn.

- Nhổ bỏ những cây bị bệnh vàng lá trong vườn đem tiêu hủy để loại trừ nguồn bệnh lây lan sang những cây khỏe. Trước khi hủy, xịt thuốc để loại trừ rầy chổng cánh bay sang các cây khác lân cận.

- Bảo vệ các loài thiên địch phát triển bằng cách phun thuốc phòng trừ hợp lý.

- Phun thuốc:

1.4. Nhện đỏ

Cả ấu trùng và thành trùng đều rất nhỏ, màu nâu, vàng lợt hoặc trắng trong tùy loại, thường bu chích hút bên ngoài vỏ trái non khoảng 1-2 tháng tuổi, ít khi trái bị rụng nhưng thường làm cho vỏ trái sần sùi như cám, nên thường gọi là trái da cám, làm giảm giá trị thương phẩm.

Phòng trị: Phun các loại thuốc đặc trị nhện đỏ.

2. BỆNH HẠI

2.1. Bệnh loét: Do vi khuẩn gây hại. Ban đầu lá, trái cành đều bị nhiễm, dễ thấy nhất trên lá và trái. Vết bệnh lúc đầu nhỏ, sũng nước, màu xanh sậm, sau đó biến thành màu nâu nhạt, mọc nhô trên mặt lá hay vỏ trái, chung quanh vết bệnh trên lá có thể có quầng vàng.

Biện pháp phòng trị: Cắt bỏ, tiêu hủy những cành, lá bệnh, vệ sinh nghiêm ngặt kể cả quần áo công nhân làm vườn.

- Phun các loại thuốc gốc đồng như Copperzinc, Kasuran BTN (1,5-2%), hoặc Zineb 80 BHN (1/500-1/800) ở giai đoạn cây chờ đâm tược ra hoa và sau đó khi 2/3 hoa đã rụng cánh và tiếp tục phun định kỳ 2 tuần/lần cho đến khi trái chín.

- Xử lý hạt, mắt ghép trước bằng nước Javel hay nhiệt (pha nước nóng: 5 nóng + 5 lạnh) ngâm 20 phút.

2.2.  Bệnh vàng lá Greening

Bệnh vàng lá greening do vi khuẩn gram âm sống trong mạch dẫn libe của cây, lây lan qua mắt ghép hoặc do rầy chổng cánh truyền qua. Vi khuẩn gây xáo trộn sinh lý, làm tắt nghẽn quá trình vận chuyển dinh dưỡng. Do đó làm thiệt hại đến năng suất, phẩm chất trái.

Triệu chứng:

Có thể phát hiện các triệu chứng ở bất kỳ thời điểm nào trong năm (ở vùng châu Á).

Triệu chứng điển hình của bệnh: Lá vàng lốm đốm (chứa nhiều vi khuẩn) song các triệu chứng đi kèm như vàng lá gân xanh (thiếu kẽm), vàng lá thiếu Mangan cũng dể dàng tìm thấy. Cần lưu ý gân lá vẫn xanh, trong khi nếu lá vàng gân vàng thì lại điển hình hơn của bệnh do nấm Phytophthora.

Trung gian truyền bệnh: Côn trùng truyền bệnh vàng lá Greening là rầy chổng cánh Diaphorina citri, Kuwayama hút và truyền vi khuẩn từ cây này sang cây khác.

Phòng trị:

Không có thuốc trị bệnh mà chỉ có thể sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp đồng bộ và có tính cách rộng rãi trong vùng mới có hiệu quả cao.

- Loại bỏ cây đã nhiễm bệnh, cây ký chủ của rầy.

- Trồng cây giống sạch bệnh, cách ly nguồn nhiễm bệnh, nên trồng thưa và có cây chắn gió bảo vệ trong và ngoài.

- Sử dụng thuốc hóa học phun định kỳ bảo vệ các đợt lá non, nhất là vào mùa xuân, hay đầu mùa mưa, vì rầy luôn chọn các đọt non để đẻ trứng.

2.3. Bệnh thối gốc, chảy nhựa

Do nấm Phytopthora sp gây ra. Lúc đầu bệnh làm vỏ của thân cây ở vùng gốc bị úng nước, thối nâu thành những vùng bất dạng, sau đó khô, nứt dọc, chảy mủ hôi. Cây bệnh ít rễ mảnh, rể ngắn, vỏ rễ thối rất dễ tuột, nhất là ở các rễ con, lá bị vàng. Nấm gây bệnh này cũng làm thối trái, nhất là trái ở gần mặt đất và ở các vườn trồng dày.

Phòng trừ: Chọn gốc ghép chống chịu bệnh như cam ba lá, cam chua,…đất trồng phải ráo, tránh gây thương tích vùng gốc và rễ. Theo dõi phát hiện bệnh sớm, cạo sạch vùng bệnh, bôi dung dịch thuốc tím 1% hay bằng các loại thuốc như Captan 75 BTN, Aliette 80 BHN, Copper Zinc, ...Thu gom, rải vôi và vệ sinh sạch vườn cam quýt là biện pháp quan trọng để hạn chế sự lây lan.

V. THU HOẠCH  & BẢO QUẢN

Cam, quýt từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 8-10 tháng, tùy theo giống, thời gian thu hoạch phải khô ráo, không nên thu trái sau mưa hoặc có sương mù nhiều. Trái thu xong cần để nơi thoáng mát, không nên tồn trữ quá 15 ngày sẽ giảm giá trị thương phẩm./.

Nguồn tin: Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Mô hình nuôi vịt biển sinh sản tại xã Tam Giang huyện Núi Thành
Tập huấn chăn nuôi thú y và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm
Huyện Núi Thành thực hiện tốt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”
Xã Tam Hải huyện Núi Thành tổ chức lễ công bố xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020
Xây dựng Nông thôn mới huyện Núi Thành-10 năm một chặn đường
Triển vọng mô hình Dừa xiêm lùn trên vùng đất cát
Biện pháp kỹ thuật để vườn cây ăn quả sai quả và lâu già cỗi
Huyện Nông Sơn: Hội thảo Phát triển Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025
Kỹ thuật chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn đối với loài cây keo lai
Kỹ thuật chăm sóc cây Sa nhân dưới tán rừng trồng quế
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Quy hoạch sử dụng đất đến 2020 của Quảng Nam, Quảng Ngãi
Chương trình Hợp tác Quảng Nam - Sê Kông (Lào)
Bài thuốc chữa Áp huyết cao
KHUYẾN NÔNG QUẢNG NAM – 20 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
NFA mời Việt Nam đấu thầu 200.000 tấn gạo bổ sung
4 cách làm chậm lão hóa não
Những rau quả giúp bảo vệ gan
Cách chọn cua, ghẹ biển
Sử dụng thuốc tím trong xử lý nước
Cây bưởi trụ trên đất Tam Trà
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    






Liên kết Web

Chuyên đề khuyến nông


    Lượt truy cập

    Tổng số lượt truy cập

    00006755506

    Lượt trong ngày 3564
    Hôm qua: 3662
    Năm trước: 1432689
    Số người đang Online: 70
    Tổng số 6755506