Green Orange Blue
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

Bộ NN&PTNT: Hội nghị chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, đỗ tương và các cây trồng khác
Người đăng: VTS - TTKNQG .Ngày đăng: 12/05/2014 15:46 .Lượt xem: 2719 lượt.
Ngày 6/5/2014, tại Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, đỗ tương và các cây trồng khác. Bộ trưởng Cao Đức Phát, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị gồm đại diện các Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, TTKNKN và Chi cục phát triển kinh tế và HTX các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ngoài ra còn có mặt đại diện các doanh nghiệp cung cấp giống ngô, phân bón và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

 

Thực hiện đề án của Chính Phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư số 47/2013/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các cây trồng hàng năm kết hợp nuôi trồng thuỷ sản. Hội nghị này nhằm giúp cho người sản xuất và bà con nông dân các tỉnh có thêm thông tin về sản xuất và chuyển đổi cây trồng khác để đạt hiệu quả cao hơn trồng lúa.

 

Các báo cáo của cơ quan quản lý đã cho thấy khi chuyển đổi sang sản xuất cây màu ở ĐBSCL có nhiều thuận lợi. Qua thời gian phát động công tác chuyển đổi trồng lúa sang trồng các cây trồng khác của vùng ĐBSCL, diện tích chuyển đổi đã đạt 87.314 ha, riêng Bến Tre và Cà Mau không chuyển đổi do đất bị nhiễm mặn. Cây trồng chuyển đổi bao gồm ngô, đậu đỗ, mè (vừng), ớt, thanh long, khoai lang, sen, các loại rau màu khác,... Tỉnh Đồng Tháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh nhất, đạt 30.725 ha, Sóc Trăng là 19.800ha và Trà Vinh là 12.000 ha. Việc chuyển đổi cho hiệu quả cao nhất ở các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Long An. Tại tỉnh Đồng Tháp, chuyển đổi hiệu quả nhất là cây sen (tỷ suất lợi nhuận so với cây lúa 1,42), cây mè (tỷ suất lợi nhuận lợi nhuận đạt 1,44), đỗ tương (tỷ suất lợi nhuận là 1,03), sau đó đến ngô và các cây rau màu khác,...

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

Các cơ quan nghiên cứu cũng tham gia phục vụ cho việc chuyển đổi. Điển hình, thông qua hệ thống khuyến nông, Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật NNVN đã thực hiện dự án khuyến nông: trồng ngô trên đất lúa đã thu thập được 20 giống ngô có thể khảo nghiệm ở vùng ĐBSCL, tạo được hàng trăm dòng thuần qua các tổ hợp lai mới, phát hiện 2 giống có triển vọng có thể trồng và cho năng suất cao, hiệu quả cao hơn trồng lúa đến 20%. Bên cạnh đó, các giống ngô lai của các công ty Dekalb, Sygenta, Pioneer đều có thể cho khả năng sản xuất thay cây lúa ở vùng ĐBSCL. Đến tham dự hội nghị đã có 2 doanh nghiệp cam kết tiêu thụ sản phẩm của nông dân sản xuất ra sau khi chuyển đổi.

 

Tuy nhiên, việc chuyển đổi của vùng còn nhiều khó khăn như: tập quán trồng lúa của nông dân, cơ sở hạ tầng kém, thiếu kỹ thuật mới và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Kế hoạch đến năm 2015 các tỉnh vùng ĐBSCL cần chuyển đổi 112 ngàn ha trong số 4,26 triệu ha diện tích gieo trồng lúa, trong đó, diện tích chuyển đổi sang trồng ngô, rau dưa và thuỷ sản là chủ yếu.

 

TS Phan Huy Thông phát biểu tại Hội nghị

Thay mặt cho hệ thống khuyến nông cả nước, TS. Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG khẳng định, đây thực sự là cuộc cách mạng về kỹ thuật, tổ chức sản xuất và nhận thức ở vùng trồng lúa truyền thống hơn 300 năm qua. Ts Thông cho rằng, các doanh nghiệp đã tích cực tham gia vào công tác chuyển đổi, tuy nhiên những doanh nghiệp lớn có khả năng tiêu thụ sản phẩm, chế biến thức ăn chăn nuôi chưa tham gia nên việc chuyển đổi còn hạn chế.

Giám đốc TTKNQG cũng đề nghị: Kế hoạch chuyển đổi cụ thể tại địa phương phải do địa phương tự quyết định, tự lập kế hoạch và trình duyệt; Cơ quan quản lý Trung ương cần có qui hoạch chính thức và công bố rộng rãi để các địa phương chủ động trong xây dựng kế hoạch của địa phương; Hệ thống hoá chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo điều kiện môi trường tốt cho hoạt động chuyển đổi; Công tác thông tin tuyên truyền về kỹ thuật sản xuất, thị trường tiêu thụ cần được đẩy mạnh hơn nữa trên các kênh thông tin đại chúng; Chính sách khuyến nông cần phối hợp với chính sách của các ngành khác trong Bộ để đẩy mạnh công tác chuyển đổi, cần tăng cường dự án sấy nông sản để đáp ứng cho công tác chuyển đổi.

 

Trong thời gian qua, hệ thống Khuyến nông đã góp phần tích cực vào công tác chuyển đổi thông qua việc hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình, tập huấn đào tạo nâng cao trình độ cho nông dân khi thực hiện chuyển sang trồng cây trồng mới. Hiện còn tới 200 ngàn hộ có nhu cầu được tập huấn đào tạo, vì vậy công tác đào tạo cũng cần có sự phối hợp của các Viện trong việc xây dựng quy trình kỹ thuật chuẩn giúp người sản xuất cây trồng khác có hiệu quả cao.

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã kết luận Hội nghị với những điểm nhấn mạnh như sau:

 

Mục tiêu của chuyển đổi là giúp nông dân sản xuất có hiệu quả cao hơn sản xuất lúa. Theo Bộ trưởng, vướng mắc nhất hiện nay là trong nhận thức của người làm chính sách nông nghiệp và bà con nông dân tại ĐBSCL. Bộ trưởng đánh giá cây lúa vẫn là cây trồng có hiệu quả nhất định, trong khi thị trường cho ngành hàng này rộng nên khá ổn định so với nhiều cây trồng khác. Bên cạnh đó, trong thực hiện chuyển đổi, cây ngô là cây trồng có tiềm năng vì lợi thế năng suất cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi, hiện tại dù đã sản xuất với sản lượng khoảng 5 triệu tấn ngô/năm nhưng nước ta vẫn phải nhập khẩu hơn 2 triệu tấn/năm.

 

Ngoài ra còn nhiều loại cây trồng khác có thể thay thế cây lúa, tuy nhiên một số cây cho hiệu quả cao nhưng không bền vững như mè, dưa hấu, ớt,.. do thị trường tiêu thụ không ổn định.

 

Tại Hội nghị, Bộ trưởng quyết định thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi trồng lúa sang cây trồng khác vùng ĐBSCL, thành phần gồm đại diện cơ quan TƯ và địa phương và cần có kế hoạch chỉ đạo sát sao để thực hiện chuyển đổi. Qui hoạch vùng chuyển đổi, có kế hoạch cụ thể và giải pháp đồng bộ, phổ biến qui hoạch này cho nông dân, doanh nghiệp nắm được để cùng phối hợp.

 

Bộ trưởng giao cho Cục Trồng trọt xây dựng gói kỹ thuật cho cây trồng chuyển đổi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các doanh nghiệp phối hợp để đưa ra qui trình sản xuất về giống, phân bón, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh trình Bộ duyệt.

 

Bộ trưởng giao cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng mô hình trình diễn và hướng đến tập huấn đào tạo cho các hộ nông dân trong vùng chuyển đổi, không chỉ kỹ thuật đơn lẻ mà phải đồng bộ từ khâu làm đất, giống, cơ giới hoá và kỹ thuật trồng trọt thu hoạch chế biến bảo quản, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho nông dân phối hợp với địa phương để hỗ trợ công tác đào tạo. Cây trồng chuyển đổi là cây trồng mới nên công tác khuyến nông cần làm quyết liệt nhất là bổ sung nguồn lực, kinh phí cho nông dân vùng chuyển đổi.

 

Bộ trưởng giao cho Tổng cục Thủy lợi củng cố cơ sở hạ tầng, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, rà soát báo cáo Chính phủ để bổ sung nguồn lực hỗ trợ cho công tác chuyển đổi.

 

Bộ trưởng đề nghị khẩn trương thực hiện triệt để các văn bản đã ban hành liên quan đến công tác chuyển đổi, cần thiết có thể tạm ứng kinh phí để hỗ trợ nông dân sản xuất cho kịp thời vụ.

 



Nguồn tin: khuyennongvn.gov.vn
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Tinh Hoa Lãnh đạo
Giải pháp phòng và trị men gan cao dịp tết
THÔNG BÁO Kết quả phân tích các chỉ tiêu môi trường nước và mầm bệnh trên cá nuôi lồng tại các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (Tháng 9)
Cảnh báo khô hạn và xâm nhập mặn tháng 7/ 2019
Hội thảo “Kết nối thị trường sản xuất cây dược liệu” và tổng kết dự án “Cải thiện sinh kế cho nông dân nghèo bằng cách áp dụng phương pháp trồng cây dược liệu và phát triển thị trường”.






Liên kết Web

Chuyên đề khuyến nông


    Lượt truy cập

    Tổng số lượt truy cập

    00006749262

    Lượt trong ngày 982
    Hôm qua: 4610
    Năm trước: 1432689
    Số người đang Online: 63
    Tổng số 6749262