Năm 2017 từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam triển khai mô hình nuôi ghép cá Rô phi là chính trong ao, với diện tích 0,6 ha cho 30 hộ nuôi cá tại xã Phước Kim. Sau 8 tháng thực hiện, mô hình đã đạt được kết quả khá khả quan. Với tỷ lệ sống trung bình đạt 63%, trọng lượng bình quân 400g/con. Tổng lượng cá các hộ thu được trên 4 tấn và hiệu quả lãi trung bình của mỗi hộ nuôi trên 1 triệu đồng.
Tại buổi Hội thảo ngày 07/12 vừa qua tại xã Phước Kim, bà con trong xã rất nhiệt tình ủng hộ mô hình này. Ông Trần Văn Lý - Trưởng thôn Triên chia sẻ: Trước đây nhà ông chỉ thả cá, cắt cỏ cho ăn mà không cải tạo, dọn ao, ít đầu tư, chăm sóc nên hiệu quả rất thấp, từ khi mô hình được triển khai tại địa phương nuôi cá theo đúng qui trình kỹ thuật nên cá phát triển rất tốt. Cá rô phi và cá Trắm cỏ nặng trên 0,4kg/con, hộ gia đình ông thu lãi gần 1,5 triệu đồng.
Ông Hồ Văn Thương - Phó chủ tịch xã cho biết: Bà con ở đây đa số là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã chiếm 70%. Đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp, còn gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi triển khai mô hình nuôi ghép cá rô phi là chính cho địa phương bà con trong xã rất phấn khỏi. Mô hình đã tạo được sản phẩm tươi sống tại chỗ để cải thiện đời sống hàng ngày và một phần bán ra thị trường, giúp tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình ổn định bền vững.
Theo bà Nguyễn Thị Đồng - Trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông mô hình nuôi ghép cá rô phi là chính trong ao có ý nghĩa rất quan trọng đối với bà con vùng núi cao, góp phần thay đổi nhận thức của bà con trong việc nuôi cá truyền thống trước đây. Tuy nhiên để bà con vùng núi cao nắm vững được qui trình kỹ thuật và nuôi cá có hiệu quả bền vững cần phải đầu tư thực hiện mô hình trong vòng 2-3 năm liên tục. Thông qua mô hình đã xây dựng được mối liên kết ngày càng chặc chẽ giữa xã kết nghĩa Phước Kim và Sở Nông nghiệp tỉnh nhà