Green Orange Blue
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin tức

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT NUÔI NHÍM
Người đăng: Ung Hồ Nguyên Cẩm .Ngày đăng: 13/07/2023 09:03 .Lượt xem: 1798 lượt.
Nhím là một loài động vật gặm nhấm, rất dễ nuôi, ít bệnh tật, yêu cầu về chăm sóc nuôi dưỡng rất đơn giản, nguồn thức ăn đa dạng, có thể tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp rẻ tiền, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

1. Một số đặc điểm sinh học của loài nhím

1.1. Về ngoại hình

Trong các loài nhím, nhím bờm là loại lớn nhất với cân nặng trung bình từ 15 đến 20kg.  Thân và đuôi nhím dài từ 80 đến 90cm, có hình dáng nặng nề với đầu to, mình tròn, mỏ ngắn. Bốn răng cửa của nhím dẹp và rất sắc, tai nhỏ, mắt nhỏ, có 4 chân, 2 chân sau ngắn hơn 2 chân trước, móng chân nhọn và sắc.

Lông trên lưng của nhím biến thành những chiếc gai nhọn và cứng, đặc biệt là phía nửa sau của lưng với độ dài từ 10 đến 30cm.

Nhím đực thường có mỏ và đuôi dài hơn nhím cái, thân hình thon dài, đầu nhọn, tính tình cục súc, hay đánh lại các con đực khác để bảo vệ lãnh thổ của mình.

Đối với nhím cái thường có 6 vú nằm ở 2 bên sườn, nên khi cho bú nhím mẹ thường nằm úp bụng xuống đất.

Hình 1: Chọn con giống nuôi khỏe mạnh, không nhiễm bệnh (có đực, có cái).

1.2. Tập tính

Trong tự nhiên, loài nhím thường sống riêng lẻ, khi tới mùa sinh sản chúng sẽ tìm tới nhau để ghép đôi và giao phối.

Loài nhím không ưa những nơi sũng nước, ẩm thấp, hoặc những nơi trống trải, quang đãng.

Nhím thường sinh hoạt về đêm, nên chúng có những chiếc mũi rất thính. Điều này giúp chúng xác định được đường đi, lối về. Bên cạnh đó, nhím còn là loài động vật nhút nhát, hay sợ sệt. Vì vậy mà chúng luôn đề phòng những tiếng động xung quanh và chỉ chịu chui ra khỏi hang khi xung quanh thật yên tĩnh.

Nhím là loại động vật không hung dữ, chúng chỉ tự vệ khi bị tác động của kẻ thù, vũ khí để tấn công kẻ thù của loài nhím chính là bộ lông của chúng.

2. Chuồng nuôi

Một trong những yếu tố đầu tiên trong kỹ thuật nuôi nhím cần chú ý là chuồng nuôi. Chuồng nuôi nhím không cần có ánh sáng chiếu trực tiếp, nên làm kiểu nửa sáng nửa tối, đảm bảo tránh nắng nóng, mưa tạt, khô ráo và thoáng mát. Diện tích chuồng không cần thiết quá rộng, trung bình 1m2/con.

Khu vực sân chuồng và nên đổ bê tông độ dài từ 8 đến 10 cm, nghiêng 3 đến 4 % để dễ dàng thoát nước và cũng để nhím không đào hang chui ra ngoài. Phía ngoài khu chuồng phải rào lưới B40, độ cao >1,5m. Trong điều kiện tự nhiên, nhím sống trong hang nên cũng phải làm hang giả cho nhím bằng ống cống, phi 50 - 60 cm hoặc dùng tôn uốn cong đặt nổi trên nền chuồng.

Máng uống có các kích thước chiều rộng và chiều cao từ 20 đến 25 cm để tránh nhím đái ỉa vào, nên để máng ngoài sân để tránh làm nước vương vãi ra nền chuồng. Trong chuồng bạn nên đặt một vài cục đá liếm, khúc gỗ hoặc sắt để nhím mài răng.

Hình 2: Thiết kế chuồng nuôi nhím không cần thiết quá rộng, trung bình 1m2/con.

          3. Thức ăn và nước uống

3.1. Thức ăn

Để nhím phát triển và sinh trưởng tốt, người nuôi cũng phải chú ý đến thức ăn. Thức ăn của nhím khá đa dạng, bao gồm: Rễ cây, mầm cây, rau, củ, quả đủ vị ngọt bùi, đắng, chát... nhím đều có thể ăn được.

Trung bình một ngày nhím ăn 2kg thức ăn/con, khi nhím sinh sản thì cần bổ sung thêm thức ăn tinh, chứa nhiều chất đạm, chất béo, chất bột, đường... để nhím mẹ đỡ mất sức khi tiết sữa nuôi con và mang thai, giúp nhím con mau lớn.
 Với nhím đực, bạn có thể bổ sung thêm rễ cây, mầm cây các loại, nhím sẽ phối giống mạnh mẽ hơn. Khẩu phần thức ăn cho mỗi con nhím/ngày theo từng giai đoạn:

- Từ 1 - 3 tháng tuổi: 0,3kg rau, củ, quả các loại; 0,01kg lúa, ngô, đậu các loại; 0,01kg cám viên hỗn hợp.

- Từ 4 - 6 tháng tuổi: cho nhím ăn 0,6kg rau quả củ; 0,02kg lúa, ngô, đậu; 0,01kg khô dầu, dừa, lạc; 0,02kg cám viên hỗn hợp.

- Từ 7-9 tháng tuổi: 1,2kg rau quả củ; 0,04kg lúa bắp đậu, 0,02kg khô dầu dừa lạc; 0,04kg cám viên hỗn hợp.

- Từ 10-12 tháng tuổi: 2kg rau quả củ; 0,08kg lúa bắp đậu, 0,04 kg khô dầu dừa lạc; 0,08kg cám viên hỗn hợp.

3.2. Nước uống

Do khẩu phần ăn cho nhím có nhiều rau, củ, quả nên nhím ít uống nước, tuy vậy nhím vẫn cần phải đủ nước, trung bình 1 lít/5 con/ngày và thường uống vào buổi sáng, trưa. Không nên tắm ướt nhím vì chúng không thích điều này, khi bị ướt nhím sẽ liên tục vẩy lông, sẽ không tốt.

4. Chăm sóc nhím sinh sản

Khi nhím cái được 10-12 tháng tuổi thì cho nhím phối giống. Thời gian động đực của nhím thường kéo dài 3-4 ngày, cho nên thời điểm phối thích hợp là sau 2 ngày khi nhím cái động dục.

 Biểu hiện nhím cái khi động dục: Nhím thường đi loanh quanh trong chuồng, hít ngửi liên tục, nếu động vào người chúng sẽ đứng yên và cong đuôi, đôi khi còn bỏ ăn. Nhím đực khi động đực cũng chạy nhảy và hít ngửi liên tục, chân chúng cào liên tục xuống nền chuồng và rít lên.

Khi thấy nhím cái động dục, bắt nhím đực thả vào ô nhốt nhím cái và cho chúng phối trong khoảng 4-6 ngày. Nếu nhím cái vẫn đang nuôi con thì bắt nhím con sang chuồng khác để tránh nhím đực sẽ cắn chết nhím con.

Chỉ nên cho con đực giao phối với không quá 8 con cái, và cần luân chuyển con đực con cái để tránh phối cận huyết. Sau mỗi lần phối giống cho nhím xong, bà con cần bổ sung cho nhím đực thức ăn giàu chất béo, chất đạm, giá đỗ.

Khi nhím được 12 tháng tuổi, có cân nặng khoảng 10kg thì có thể sinh sản. Mỗi năm nhím đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 3 con. Nuôi nhím đực, nhím cái ở các ô riêng biệt, khi nhím có biểu biển động dục thì cho chúng ghép đôi với nhau để giao phối.

 Thời gian động dục: Thời gian động dục của nhím là từ 3-4 ngày, nếu phối giống mà nhím không chửa thì sau 30 ngay sau nhím sẽ động dục trở lại. Nhím mẹ sẽ động dục trở lại sau khi sinh con 1 tháng, nếu đẻ con bị chết thì sau 10-15 ngày sau sẽ động dục trở lại. Sau khi nhím cái động dục là thời điểm thích hợp để phối giống.

Cho nhím giao phối: Nhím thường tiến hành giao phối với nhau trong thời gian từ 2-5 giờ sáng. Trong chăn nuôi nhím sinh sản việc phối giống thành công rất quan trọng, nên người nuôi cần lưu ý phát hiện đúng thời điểm giao phối của nhím. Đối với người mới nuôi nhím, chưa có kinh nghiệm thì nên chọn ghép đôi 1 đực 1 cái trong một ô từ khi nuôi.

 Thời gian mang thai: Nhím sẽ mang thai từ 90-95 ngày, bụng nhím sẽ to ra sang hai bên. Thời gian nhím mang thai bà con nên tách nhím đực khỏi nhím cái để nhím cái được yên tĩnh.


Hình 3: Kỹ thuật nuôi nhím đúng cách sẽ có những đàn nhím khỏe mạnh.

Một tuần sau đẻ, nhím mẹ sẽ ủ con ở dưới bụng, sau thời gian này nhím con mới chạy ra khỏi bụng mẹ. Nhím con sẽ bú mẹ trong một tháng đầu, sau đó chúng sẽ ăn được thức ăn như nhím mẹ. Nhím con tăng trọng trung bình khoảng 1kg/1 tháng/ con. Sau thời gian này nhím con đã khỏe mạnh và nhím cái không còn nhiều sữa nữa, người nuôi tách nhím con sang nuôi ở ô khác. Lúc này nhím mẹ sẽ động dục trở lại.

5. Phòng bệnh

Phòng bệnh: Mặc dù nhím không hay bị dịch bệnh nhưng chúng ta vẫn cần chú ý đến một vài bệnh thông thường như:

- Bệnh đường ruột: Nếu khẩu phần ăn cho nhím không được như ngoài tự nhiên thì nhím có thể bị mắc tiêu chảy. Trong trường hợp này cần dùng thuốc trị tiêu chảy hoặc đơn giản hơn là cho nhím ăn một số loại thức ăn chát, đắng như cà rốt, ổi xanh, rễ cau, rễ dừa…

 Để nhím không bị tiêu chảy thì người nuôi phải cân đối đầy đủ khẩu phần thức ăn, không được cho ăn những đồ ẩm mốc, bẩn hoặc hôi thối.

- Ký sinh trùng ngoài da: Nhím cũng có thể bị các loại ký sinh trùng căn như ve, mò… gây ra những vết ghẻ lở. Bạn có thể bôi thuốc cho nhím, hoặc để chúng tự liếm cũng có thể tự khỏi. Để tránh mắc bệnh này, chuồng của nhóm phải thường xuyên được sát trùng, vệ sinh mỗi tháng từ 1 đến 2 lần.

Nhím là một loại vật nuôi kinh tế rất có lãi nếu biết cách chăm sóc sẽ có được những đàn nhím khỏe mạnh, mang lại hiệu quả về kinh tế cao./.

Nguồn tin: Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Một số điều lưu ý về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi
Các tin cũ hơn:
KỸ THUẬT CHĂN NUÔI DÊ
Cần đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi vỗ béo bò
Kỹ thuật trồng một số loại cây làm thức ăn cho gia súc
Xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi - một số công nghệ mới
Quy trình ủ chua cỏ xanh dự trữ làm thức ăn cho gia súc
Kỹ thuật nuôi trùn quế
Những điều cần biết về tinh phân biệt giới tính trên vật nuôi
Chất thải trong chăn nuôi và một số biện pháp xử lý
Bệnh liên cầu khuẩn lợn và biện pháp phòng trị
Nuôi nhông trên cát
    
1   2   3   4  
    






Liên kết Web

Chuyên đề khuyến nông


    Lượt truy cập

    Tổng số lượt truy cập

    00006146240

    Lượt trong ngày 647
    Hôm qua: 2188
    Năm trước: 1432689
    Số người đang Online: 62
    Tổng số 6146240