Chủ trương và kết quả
Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND về quy định nội dung, mức hỗ trợ và trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 – 2025, được Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành ngày 14/10/2022; sau đó, ngày 22/10/2023 Nghị quyết này được Hội đồng Nhân dân sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số Điều tại Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND. Để triển khai thực hiện các Nghị quyết nêu trên, Ủy ban Nhân tỉnh cụ thể hóa nội dung tại Quyết định số 2272/QĐ-UBND ngày 20/10/2023 (thay Quyết định số 3146/QĐ-UBND ngày 18/11/2022 cuả UBND tỉnh).
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu tập trung ngân sách vào hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp (Tiểu dự án 1, Dự án 3). Sau khi các văn bản pháp lý được ban hành, UBND tỉnh phân bổ 42.472 triệu đồng (gồm ngân sách trung ương: 38.403,078 triệu đồng; ngân sách tỉnh: 4.068,803 triệu đồng) cho sở Nông nghiệp & PTNT cùng UBND các huyện để triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ giải ngân được 7.282 triệu đồng, đạt 17,1%. Đầu năm 2024, các địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện các dự án đã phê duyệttừ nguồn vốn giao năm 2022 và 2023. Đối với kế hoạch vốn năm 2024, các đơn vị, địa phương đang hoàn thiện thủ tục kéo dài, chuyển nguồn vốn năm 2022, 2023 sang năm 2024 và trình phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2024, tổng vốn thực hiện dự án là 34.668 triệu đồng; trong đó: Vốn ngân sách trung ương phân bổ: 31.374 triệu đồng; vốn đối ứng ngân sách tỉnh là: 3.294 triệu đồng; do vậy chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2024.
Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, các đơn vị và địa phương đã khảo sát, triển khai xây dựng phê duyệt và thực hiện được 22 dự án thuộc các chuyên ngành: Trồng trọt, chăn nuôi, trên địa bàn 7 huyện: Tiên Phước, Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, Duy Xuyên. Các dự án tập trung vào sản xuất những đối tượng cây trồng, con vật nuôi như: Chăn nuôi heo Cỏ địa phương, nuôi vịt, nuôi bò sinh sản và bò thịt, chăn nuôi dê sinh sản, trồng và tiêu thụ môn hương, chuối lùn, bưởi da xanh, dự án trồng các loại cây dược liệu....Tổng cộng có 647 hộ dân tham gia, trong đó có 414 hộ nghèo, 73 hộ cận nghèo, 56 hộ mới thoát nghèo, 44 hộ DTTS, 72 phụ nữ và hộ có thành viên người có công cách mạng là 223 người. Năm 2024, các đơn vị của tỉnh và những địa phương được giao vốn đã phê duyệt thêm thêm 28 dự án.
Những cản trở và hướng đi trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng chương trình giảm nghèo vẫn còn những trở lực hiện hữu, đó là: (i)Các văn bản hướng dẫn chưa có cơ chế rõ ràng về phân cấp, phân quyền, lồng ghép vốn, nên trong quá trình triển khai thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung; (ii)công tác tổ chức tập huấn hướng dẫn còn hạn chế, do đó địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện;(iii)cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất giai đoạn 2021-2025 hoàn toàn mới, tích hợp nhiều chính sách nên việc tiếp cận của đội ngũ cán bộ còn nhiều khó khăn;(iv)cùng thời điểm nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của 03 chương trình MTQG phân bổ về cho các địa phương, nên quá tải trong công tác khảo sát, lập dự án, thẩm định phê duyệt dự án và triển khai thực hiện dự án, do đó nhìn chung tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp. Để đẩy mạnh chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh và tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả, chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, đó là: (1)tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, giúp thay đổi tư duy trong sản xuất. Đồng thời chú trọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, xem xét, khảo sát điều kiện thực tế của địa phương để triển khai dự án phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tìm kiếm, hợp tác với các doanh nghiệp, HTX để liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm nông sản cho nông dân, giúp nông dân yên tâm mở rộng sản xuất; (2)phát triển kinh tế - xã hội miền núi những năm đến vẫn dựa vào nông lâm nghiệp và dược liệu là chủ yếu. Do vậy, cần tập trung phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của từng huyện, xã và định hướng phát triển kinh tế nông thôn của các địa phương;(3)đánh giá lại khâu quản lý đối với các chính sách, chương trình, dự án về lĩnh vực phát triển sản xuất, hiện nay còn nhiều đầu mối quản lý đối với các chính sách, chương trình, dự án đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, điều hành;(4)phân cấp quản lý về các địa phương, nhất là cấp huyện, xã gắn với tăng cường trách nhiệm để công tác quản lý được thông suốt, đảm bảo tính tự chủ, linh hoạt và sử dụng các nguồn lực đầu tư phù hợp với thực tế của từng địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn;(5)tiếp tục hình thành các tổ, nhóm cộng đồng, tổ hợp tác sản xuất dựa trên lợi thế của từng địa phương, để cùng nhau hỗ trợ và liên kết phát triển. Nhanh chóng thay đổi tập quán sản xuất nhỏ, lẻ manh mún sang sản xuất theo hướng tập trung, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình đa dạng hóa sinh kế, dự án phát triển sản xuất đã có hiệu quả, đa dạng hóa các mô hình sinh kế, thay thế cho các dự án, mô hình đã triển khai nhiều năm ở các địa phương;(6)do đặc thù dự án phát triển sản xuất mang tính thời vụ, vì vậy hàng năm tỉnh cần có kế hoạch phân bổ vốn sớm cho các địa phương, đồng thời tăng nguồn lực đầu tư với mức cao hơn, nhất là ở các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhằm tạo điều kiện cho người dân vùng DTTS phát triển sản xuất, ổn định đời sống, giảm nhanh được tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn;(7)hướng dẫn để xây dựng phương án, quy chế huy động đóng góp vốn của người dân với hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất (quay vòng vốn) phù hợp với khả năng của người dân từng địa phương;(8)cùng với các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất trong các chương trình MTQG, tập trung thực hiện tốt các chính sách khác về hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân, nhất là người đồng bào dân tộc ở miền núi, để họ có điều kiện thoát nghèo bền vững.
Hy vọng về Chương trình giảm nghèo
Thiết nghĩ rằng để có nguồn lực đủ mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế tạo việc làm và thu nhập tại chỗ nhằm cải thiện tiêu chí thu nhập, đáp ứng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện tốt chính sách tín dụng: phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định sinh kế, hỗ trợ cải thiện nhà ở; phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống; phát triển du lịch nông thôn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, liên hiệp hợp tác xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng nông thôn, huyện nghèo; cá nhân người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, người lao động tại địa bàn thuộc phạm vi thực hiện của các chương trình MTQG tiếp cận vay vốn để phát triển kinh tế. Tập trung quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách liên quan về đất ở, đất sản xuất để ổn định đời sống cho người dân, dành nguồn vốn đầu tư cho hỗ trợ phát triển sản xuất, để góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên trên địa bàn tỉnh. Đối với người dân cần tích cực, chủ động, cần cù, tìm tòi học hỏi để áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và nhạy bén trong khâu liên kết với thị trường tiêu thụ nhằm sản xuất đạt năng suất, chất lượng và ổn định trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp làm ra./.