Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh, đại diện Đảng đoàn HĐND tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, đại diện Ban cán sự đảng UBND tỉnh và đại diện Lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Văn phòng UBND tỉnh, sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Nội vụ, sở Tài chính, sở Thông tin và Truyền thông, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh. Tập thể Đảng ủy, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trưởng các phòng, đơn vị trực thuộc. Sau khi nghe đại diện Đảng ủy sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo khái quát về sở Nông nghiệp & PTNT nói riêng và tình hình ngành Nông nghiệp nói chung, các ý kiến tham gia của những Sở, Ngành liên quan, cùng với phát biểu của Lãnh đạo UBND tỉnh; Bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận những kết quả đạt được, chia sẻ những khó khăn hiện hữu của ngành Nông nghiệp, đồng thời định hướng, chỉ đạo một số nội dung cần thực hiện trong thời gian đến.
Toàn cảnh buổi làm việc
Lãnh đạo UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với sở Nông nghiệp và PTNT
1. Bí thư đánh giá cao vai trò của ngành nông nghiệp đối với kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Nam, đây được xem là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong thời điểm dịch bệnh xảy ra, diễn biến phức tạp, kéo dài và cũng là yếu tổ đảm bảo an ninh, an toàn lương thực, thực phẩm cho con người, là nghề chính trong sinh kế của người dân vùng nông thôn. Vì vậy, đầu tư cho nông nghiệp là vấn đề cần thiết và căn cơ. Ông Lương Nguyễn Minh Triết cũng khẳng định mảnh đất Quảng Nam là nơi có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển ngành nông lâm thủy sản (diện tích rừng lớn, ngư trường rộng, bờ biển dài, hệ sinh thái phong phú, chủng loại động thực vật đa dạng,…). Tuy nhiên, để có hướng phát triển ngành hiệu quả, ổn định, bền vững, đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, thực tiễn sản xuất đã đặt ra nhiều yêu cầu đối với ngành Nông nghiệp Quảng Nam cần phải có định hướng, chiến lược bài bản trong quá trình phát triển sản xuất.
2. Bí thư đề nghị ngành Nông nghiệp chủ động xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp sát với điều kiện sản xuất, thị trường và phù hợp với quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tập trung thực hiện tốt Kế hoạch ngành; tạo ra sự chủ động trong sản xuất chính là sự chủ động trong cung cấp cây, con giống, vùng nguyên liệu, kiên kết tiêu thụ đầu ra sản phẩm…; chú trọng đến các nhiệm vụ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, con vật nuôi chủ lực theo hướng hàng hóa.
3. Duy trì và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản, tăng cường công tác thu hút nhà đầu tư, tìm kiếm nguồn lực từ Trung ương đặc biệt đầu tư vào ngành công nghiệp dược liệu. Khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho người nông dân. Kêu gọi, thu hút nguồn đầu tư vào ngành công nghiệp dược liệu; nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp bền vững, kinh tế vườn, kinh tế tập thể; tham mưu chính sách thu hút nguồn lực đầu tư; cần rà soát, đánh giá hiệu quả các nghị quyết liên quan đến phát triển nông nghiệp - nông thôn để kịp thời tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế; ưu tiên nguồn lực cho những địa phương làm tốt. Lưu ý đến nhiệm vụ truyền thông khuyến nông về chính sách, cơ chế khuyến khích,…đến người dân để người dân biết, thụ hưởng chính sách đó.
4. Tập trung thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với các chương trình MTQG; nâng cấp các công trình phục vụ phòng, chống thiên tai, sắp xếp dân cư miền núi, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, chương trình Mỗi xã một sản phẩm…
5. Đồng thời với nhiệm vụ chuyên ngành, Đảng ủy sở Nông nghiệp và PTNT phải tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đoàn kết; nâng cao chất lượng đảng viên, tư tưởng chính trị; tăng cường kỷ luật kỷ cương, kiểm tra giám sát; nâng cao vai trò của Lãnh đạo Sở trong thực thi công vụ./.